Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Trung tâm Dạy nghề Bình Định: Địa chỉ học nghề của nông dân

Sau 8 năm hoạt động, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DNHTND) Bình Định đã trở thành địa chỉ dạy nghề tin cậy của hội viên nông dân trong tỉnh, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn...

Dạy nghề gắn với quy hoạch

 

Sản phẩm của học viên lớp nhân giống cây trồng. 

Được T.Ư Hội NDVN và tỉnh Bình Định hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, năm 2005, Trung tâm DNHTND Bình Định khánh thành và đi vào hoạt động. Trung tâm có các phòng chức năng phục vụ hoạt động dạy nghề tại chỗ, dạy nghề lưu động ở các xã, phường; tổ chức dịch vụ hỗ trợ ND phát triển sản xuất...

Cơ sở hậu cần của trung tâm như ký túc xá, nhà ăn, hội trường, sân bãi, vườn cây xanh… ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ giáo viên của trung tâm thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng nhu cầu của học viên.

Ông Nguyễn Xuân Điền- Giám đốc Trung tâm DNHTND tỉnh cho biết: Trung tâm đã cụ thể các nhóm nghề phù hợp với chủ trương, định hướng quy hoạch và điều kiện sản xuất ở các địa phương có ND đăng ký theo học để tổ chức dạy; đồng thời bổ sung danh mục nghề sơ cấp để đa dạng hóa theo nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi sản xuất.

Năm 2012, Trung tâm DNHTND Bình Định đã mở 13 lớp dạy nghề, trong đó có 5 lớp nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, 5 lớp nhân giống cây trồng và 3 lớp nuôi trồng thủy sản nước ngọt; đồng thời tổ chức dạy lưu động ở cơ sở. Đã có 424 học viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề.

Hiện có 7 nhóm nghề ổn định, gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm, chọn và nhân giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, trồng và chăm sóc vườn cảnh, trồng rau an toàn, mộc dân dụng và quản lý, sửa chữa lưới điện nông thôn. Kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn từ 500-800 triệu đồng/năm với chỉ tiêu từ 300-500 học viên.

Bên cạnh dạy nghề, trung tâm còn phối hợp tổ chức tư vấn miễn phí cho ND về học nghề, giới thiệu việc làm; tổ chức hội thi tay nghề giỏi; tổ chức Hội thi sáng tạo nhà nông; xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế- xã hội ở các làng nghề, thành lập doanh nghiệp nông thôn, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh; xây dựng các đại lý dịch vụ cung ứng vật tư, máy cơ giới, thiết bị nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người học nghề.

Nông dân tăng thu nhập

Anh Phan Trung Long ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, học viên lớp học nghề nuôi trồng thủy sản tâm sự: Sau khi tốt nghiệp lớp học nghề khoá II năm 2012 của Trung tâm DNHTND tỉnh, tôi đã lên kế hoạch mở rộng diện tích ao nuôi cá nước ngọt của gia đình, nuôi cá thâm canh như các thầy giáo đã dạy, đồng thời tham gia CLB nuôi cá của Hội ND xã mới thành lập để phát triển bền vững nghề nuôi cá, dù ít thì gia đình tôi cũng có tiền trăm triệu trong tay.

Anh Trần Văn Sơn (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), lớp trưởng lớp học nghề trồng và chăm sóc vườn cảnh khóa I năm 2011 chia sẻ: "Dạo trước, tôi bán vài cây sanh và đi cắt tỉa thuê thu nhập cũng được vài trăm triệu đồng rồi. Nhưng lâu nay thiếu cái chứng chỉ làm nghề, tôi thấy không tự tin. Bây giờ có chứng chỉ nghề rồi, tôi làm việc chuyên nghiệp, bài bản hơn ".

Ông Điền cho biết thêm, từ kiến thức được học, học viên đã thay đổi tập quán canh tác, tạo việc làm, có thêm thu nhập. Đơn cử như 49 lao động ở thôn Định Tường, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh có thu nhập 900 ngàn đồng/người/tháng từ trồng rau sạch; hay 25 CLB nuôi heo sạch ở các xã, thị trấn với 405 thành viên có thu nhập vượt trội so với nuôi heo truyền thống... Kết quả này đã góp phần tích cực vào thực hiện Quyết định Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Đào Minh Trung

Tìm kiếm