Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Giới thiệu về dự án dạy nghề hiệu quả

Giới thiệu 

Suy thoái kinh tế thế giới đã gây ra khủng hoảng việc làm sâu rộng trên toàn cầu. Nạn thất nghiệp tiếp tục tăng đến đầu năm 2011 và cuộc khủng hoảng việc làm có thể tiếp tục kéo dài. Khủng hoảng việc làm chứa đựng những nguy cơ lớn đối với sự ổn định chính trị, xã hội. Ở nhiều quốc gia, nạn thất nghiệp đã trở thành vấn đề bức xúc biến thành sự tức giận và nổi loạn, khiến cho nhiều người bức bối, chống lại chính phủ và quy tội lỗi cho các quan chức.

Nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm cũng tác động mạnh tới Việt Nam và có ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường lao động. Từ những người lái taxi, những người bán dạo cho đến công nhân viên chức hay những nhà đầu cơ, tất cả đều đồng ý rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam và những người nghèo đang phải hứng chịu hậu quả. Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Việt Nam cho thấy hiện có khoảng 12 triệu người nghèo trong tổng số 86 triệu dân, và còn rất nhiều người đang sống rất gần ngưỡng nghèo. Nghiên cứu lực lượng lao động trong thời gian này đã cho thấy một số xu hướng việc làm quan trọng trong giai đoạn này. Việt Nam có tỷ số việc làm trên dân số tương đối cao, với gần 75% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất ổn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam đã giảm trong giai đoạn từ 2007 đến 2009. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng đối với nam giới và nữ giới trong độ tuổi 15 – 19 (từ 37,1% năm 2007 lên 43,8% năm 2009) cho thấy rằng đã có một lượng lớn thanh thiếu niên rời bỏ nhà trường để tìm việc kiếm sống và hỗ trợ gia đình.

Theo số liệu thống kê của chính phủ, ngành chiếm nhiều lao động nhất ở Việt Nam là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với gần 23 triệu lao động trong năm 2008. Số liệu trên cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu của thị trường lao động Việt Nam từ những việc làm trong ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp, đòi hỏi nhiều lao động sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, được đầu tư công nghệ và tài chính nhiều hơn. Trong hầu hết các dự báo, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020. Chính vì vậy, đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu nghề cho lao động nông thôn là nhu cầu khá bức thiết. Việc tăng cường trình độ và kỹ năng cho người lao động sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.

Hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều hình thức đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như đào tạo nghề chính quy, dạy nghề cho nông dân, Hiện nay, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được triển khai. Tuy nhiên, theo các báo cáo của tổng cục dậy nghề, với các hình thức dạy nghề trên, người nghèo không tiếp cận được vì nhiều lý do như quá tuổi đào tạo, không có điều kiện đi học xa nhà, không tham gia được vì là lao động chính trong gia đình.

Daỵ nghề cho nông dân hay người nghèo cần phải áp dụng những hình thức khác nhau ở từng địa phương. Hiện nay có một số địa phương, một số tổ chức xã hội và tư nhân dạy nghề cho người nghèo một cách có hiệu quả và chất lượng, đảm bảo tay nghề và đầu ra. Ví dụ như các hình thức dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, Tổng công ty; dạy nghề lưu động (tại xã, thôn, bản); dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dạy nghề thực hành… Những kinh nghiệm này cần được thống kê, đánh giá một cách đầy đủ và phổ biến rộng rãi để nhân rộng nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình dậy nghề. Cần có những công cụ thiết thực để đánh giá nhu cầu của người học nghề, đánh giá chất lượng và trình độ của người lao động sau khi kết thúc các khóa học và hỗ trợ kết nối với thị trường lao động. 

Trong “Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Chính phủ chỉ đạo tập trung đào tạo nghề cho các nhóm đối tượng là nông dân được đào tạo để trở thành những nông dân làm nông nghiệp hiện đại; nông dân được đào tạo để chuyển nghề thành lao động phi nông nghiệp tại nông thôn hoặc trở thành công nhân công nghiệp; nông dân được đào tạo để phục vụ xuất khẩu lao động; nông dân được đào tạo để trở thành các nhà quản lý sản xuất ở nông thôn hoặc trở thành các cán bộ thôn, xã. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), nhiều địa phương khi mở lớp đào tạo nghề chỉ 1-2 nông dân đăng ký theo học vì những nghề do các chương trình hiện nay không phù hợp với họ hoặc không có khả năng tiếp cận với cơ hội việc làm. Hơn nữa các chương trình dạy nghề chưa đi sát với nhu cầu của các ngành kinh tế và khả năng của người nông dân từng địa phương. Người nông dân khó có thể kiếm được việc làm sau khi học nghề từ các chương trình dạy nghề cho người nghèo. Chính vì vậy các chương trình dạy nghề hiện nay chưa mang lại hiệu quả, gây ra sự lãng phí lớn về nguồn lực.

Đây là một mâu thuẫn lớn vì kết quả của nhiều cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, một nguyên nhân lớn dẫn đến nghèo đói (trên 60%) là do người nghèo thiếu kiến thức, tay nghề để có thể tham gia thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập cho chính mình. Trong khi đó nhiều chương trình dạy nghề của các tổ chức và các chính phủ lại không thu hút được người lao động hay người nông dân tham gia. 

Con số 73% người lao động thất nghiệp và thiếu việc làm hiện nay là những người không qua đào tạo thực sự là điều đáng lưu tâm đối với các cơ quan có chức năng đào tạo nghề cho người lao động. Chính phủ cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đào tạo việc làm thích hợp cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn để họ có thể bắt kịp với sự biến đổi nhanh về nhu cầu lao động của nền kinh tế.

Từ cuối năm 2008 đến nay, Chính phủ đã có những giải pháp tổng thể như "Giải pháp chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội", giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng… để thúc đẩy sản xuất phát triển trở lại, tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các chính sách này triển khai vào thực tế thường chậm trễ do người lao động không có thông tin cộng với lý do người lao động không mặn mà với các chương này với những lý do nêu trên.

Chính vì vậy, Trung tâm giáo dục và phát triển đề xuất xây dựng dự án xây dựng bộ công cụ cho các cơ sở dạy nghề. Dự án sẽ gồm các hoạt độngđể xây dựng bộ công cụ cho các cơ sở dạy nghề giúp họ có thể thiết kế, thực hiện, và theo dõi kết quả của các chương trình dạy nghề một cách có hiệu quả. Mục tiêu của dự án này là: 
  • i) Chia sẻ các thông tin về các chương trình dạy nghề hiệu quả cho người nghèo
  • ii) Đúc kết kinh nghiệm và bài học cũng như có các công cụ cụ thể để thiết kế chương trình dạy nghề hiệu quả
  • iii) Các công cụ để các cơ sở dậy nghề, trung tâm dậy nghề có thể có các công cụ hữ hiệu để tìm hiểu nhu cầu, thiết kế, thực hiện và theo dõi chương trình của mình một cách hiệu quả
 1. Nghiên cứu về lao động của tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam.

Tìm kiếm