Tình hình đào tạo lao động nông thôn ở Hà Nội
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, đồng nghĩa với việc tỷ lệ LĐNT bị mất đất canh tác, không có tay nghề, không có việc làm gia tăng nhanh chóng qua từng năm.
Vào năm 2008, TP đã thành lập quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm dành cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp với số vốn ban đầu 50 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Mục đích để giúp người dân có nguồn thu nhập lâu dài, thay vì dùng tiền để mua sắm như khi được chi trả trực tiếp tiền đền bù thu hồi đất. Tuy nhiên, hiệu quả từ quỹ không cao. Cũng như nhiều địa phương khác, phần lớn nông dân đều không mặn mà với việc học nghề, trong đó, một phần là do các nghề dạy còn quá ít, đơn điệu, sơ sài, lại chỉ là hỗ trợ đào tạo ngắn hạn. Vì thế, khi ra nghề, số LĐNT có việc làm không nhiều...
Để khắc phục tình trạng này, UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo của TP thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, để không còn xảy ra tình trạng đào tạo nghề không trúng, không đúng như vừa qua, Sở LĐTB&XH sẽ tiến hành điều tra, khảo sát nắm tình hình, thu thập số liệu về dân số, LĐNT, chất lượng lao động và đặc biệt chú trọng vào nhu cầu học nghề trên toàn địa bàn. Mặt khác, sẽ đưa ra dự báo về nhu cầu lao động, LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 6.000 LĐNT, trong đó xác định 70% lao động sau đào tạo nghề có việc làm. Cùng với đó, sẽ xây dựng 2 mô hình điểm của TP về dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đặc biệt, sẽ thành lập mới 3 trung tâm dạy nghề tại các huyện hiện chưa có cơ sở đào tạo nghề gồm: Mỹ Đức, Quốc Oai và Phúc Thọ. Tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 50 tỷ đồng.
UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 15-1-2010 và Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 13-7-2010 triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Quyết định số 3658/QĐ-UBND ngày 17-7-2010 về việc tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Hà Nội, trong đó UBND TP quy định trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, UBND các huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, đến nay một số địa phương, đơn vị chưa triển khai hoặc triển khai quá chậm nhiệm vụ được giao, gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện trên địa bàn TP. Đáng chú ý là còn huyện Đan Phượng chưa hoàn thành công tác điều tra, tổng hợp số liệu. Về xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, chưa được các địa phương quan tâm chỉ đạo nên đến giữa tháng 1-2011 mới có 2 huyện Ba Vì, Thạch Thất hoàn thành, còn 16 huyện, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây chưa xây dựng và cũng chưa xác định mô hình điểm để dạy nghề cho lao động nông thôn.
Để có cơ sở xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP đến năm 2020, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP yêu cầu giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ được giao trước ngày 15-2-2011.
UBND TP Hà Nội vừa phân bổ kinh phí đợt 2 năm 2010 để thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của thành phố. Tổng kinh phí được phê duyệt đợt này là 17 tỷ đồng cho 6 đơn vị (trường Trung cấp nghề cơ khí Hà Nội - 5 tỷ đồng, các trung tâm dạy nghề huyện Thanh Trì - 3 tỷ đồng, huyện Mê Linh - 3 tỷ đồng, Ứng Hòa - 3 tỷ đồng, Thạch Thất - 2 tỷ đồng, Sóc Sơn - 1 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này sẽ sử dụng vào việc mua sắm thiết bị dạy nghề cho lao động ở nông thôn.
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm tháng 3/2009, toàn thành phố có 117.825 hộ nghèo với 406.232 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 8,43% tổng số hộ chung toàn thành phố. Năm 2009, toàn thành phố giảm được 30.203 hộ nghèo (chưa kể số phát sinh), đạt 150% kế hoạch, đưa hộ nghèo xuống còn 6,09%.
Năm qua, chương trình trợ giúp người nghèo của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn thành phố có hơn 105 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng hơn 3.989 nhà ở cho người nghèo. Chương trình hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo đã giúp hơn 3.400 người nghèo được học nghề miễn phí; 468.868 người nghèo, và người dân của các xã trong chương trình 135 được cấp thẻ bảo hiểm xã hội miễn phí…
Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo của Thành phố vẫn còn một số tồn tại như: việc điều tra xác định hộ nghèo theo chuẩn mới và rà soát thống kê danh sách hộ có nhà ở hư hỏng, xuống cấp của một số xã phường chưa đảm bảo tiến độ; một số cán bộ cơ sở thiếu trách nhiệm trong công tác trợ giúp người nghèo…
Hiện, Hà Nội vẫn còn gần 92 nghìn hộ nghèo với hơn 300 nghìn nhân khẩu, chiếm 6% tổng số hộ toàn thành phố. Mục tiêu của chương trình giảm nghèo thành phố năm 2010 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, xóa 100% nhà hư hỏng, xuống cấp của hộ nghèo.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết: “Năm nay, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, ý chí vượt nghèo cho người nghèo, giúp họ vươn lên mức sống khá. Cái này vẫn là một cái chúng tôi đặt lên hàng đầu về tuyên truyền. Nếu không khéo thì rất nhiều cơ chế chính sách như thế này rất nhiều hộ nghèo sẽ ỳ ra, không muốn ra khỏi khung nghèo để tiếp tục hưởng chính sách này. Cho nên đề nghị chúng ta tiếp tục làm công tác tuyên truyền về tư tưởng để làm sao mọi người đều có tự trọng cho mình, cho hộ mình, làm sao càng ít hộ nghèo thì càng tốt.”
Hỗ trợ dạy nghề cho lao động mất đất ở Hà Nội
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hơn 70% người dân sử dụng tiền đền bù thu hồi đất phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng không hiệu quả, thậm chí có tới 50% hộ đã gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trước thực trạng đó, Sở đang trình UBND thành phố về chủ trương hỗ trợ cho các hộ nông dân thuộc diện có đất nông nghiệp bị thu hồi. Cụ thể là thông qua chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, nông dân sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định.
Dự kiến mỗi người ở độ tuổi lao động khi bị thu hồi đất nông nghiệp nếu muốn tham gia học nghề để chuyển đổi việc làm sẽ được hưởng một suất đào tạo trị giá 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, Sở cũng đang đề xuất thêm đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi học nghề sẽ bao gồm cả con em nông dân từ bậc học phổ thông đến học nghề, cao đẳng và đại học.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các khoản tiền đền bù từ đất được người dân chi tiêu chủ yếu vào việc xây dựng nhà ở, mua sắm vật dụng trong gia đình, thậm chí một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm nhưng lại sử dụng tiền đền bù vào các tệ nạn xã hội, ma tuý, làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp tại địa phương ...
Ước tính, có tới 7 vạn lao động cần giải quyết do thu hồi đất, trong đó chỉ có 28% có trình độ phổ thông, số còn lại đều có trình độ lao động thấp nên việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những nông dân bị thu hồi không chỉ có ích cho bản thân họ mà còn cho cả xã hội.