Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Tình hình dạy nghề cho người nghèo ở Việt Nam

Tổng quan chung về dạy nghề cho người nghèo
Nghèo đói do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng, kết quả từ nhiều cuộc điều tra, khảo sát đã cho thấy là trên 60% số người nằm trong diện đói nghèo là do họ thiếu kiến thức, tay nghề để có thể tham gia thị trường lao động, tạo việc làm, tạo thu nhập cho chính mình.

Từ 2001-2010, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, dự án trong phạm vi cả nước về việc làm, xóa đói giảm nghèo (XĐGN), như: Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135)...
Trong những CTMTQG nói trên đã đề ra những nội dung, chính sách và giải pháp về đào tạo nghề, dạy nghề, học nghề cho người nghèo, phát triển các cơ sở dạy nghề cho người nghèo, tạo việc làm và tạo thu nhập cho người nghèo sau khi thành nghề. Có thể nói, vấn đề đào tạo nghề, dạy nghề, tạo việc làm và tạo thu nhập cho người nghèo là tiêu điểm của các Chương trình, dự án có mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua.
Ngày 27/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP “Về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo” (nay là 63 huyện) , trong đó có chính sách và dự án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; phê duyệt và triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững. Các chính sách, chương trình, dự án trên tập trung chủ yếu vào đối tượng lao động nông thôn, lao động diện thu hồi đất cho phát triển các khu công nghiệp và đô thị, lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách và đã đạt được những kết quả nhất định.

Quỹ Quốc gia về việc làm ( thành lập từ năm 1992) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động. Đến nay Quỹ Quốc gia về việc làm đã tích luỹ được trên 3.761 tỉ đồng và được phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Ngoài ra, có 37 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ việc làm địa phương với số vốn trên 880 tỉ đồng, kết hợp với nguồn vốn bổ sung hằng năm và vốn thu hồi đã đưa doanh số cho vay giai đoạn 2006 - 2010 lên khoảng 8.096 tỉ đồng, cho vay hơn 600 nghìn dự án, thời gian cho vay bình quân một dự án là 35 tháng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho 250 - 300 nghìn lao động mỗi năm, trong đó, 90% các dự án vay vốn tập trung cho vay ở khu vực phi chính thức, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho lao động nông thôn bằng nhiều mô hình hiệu quả như: hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; các vùng nuôi trồng thuỷ hải sản; mô hình kinh tế trang trại, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; lồng ghép với chương trình tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế của Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân...

Đối với lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, ngoài việc được ưu tiên vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách như: hỗ trợ kinh phí học nghề để chuyển đổi việc làm hoặc đi lao động ở nước ngoài; xây dựng các chợ, mở rộng trung tâm thương mại thu hút các hộ đến kinh doanh; quy định hỗ trợ các doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc, v.v..

Chính sách dạy nghề cho người nghèo (chính phủ và các tổ chức)
Trong những năm gần đây, những VBQPPL liên quan trực tiếp đến chính sách đào tạo nghề, dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn đã tiếp tục phát triển, hoàn thiện gắn liền với các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, Từ năm 2010, đã ban hành nhiều VBQPPL để trực tiếp thực thi quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Chi tiết các văn bản hiện hành có thể xem thêm ở phần phụ lục.

Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo:
Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ.

Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo trên cả nước.

Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo:
Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, nhất là bậc mầm non; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên nghèo;

Thông tư liên tịch số 44/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH về sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vừa được Liên bộ Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành. đã qui định:

Trong thời gian học nghề, người nghèo được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày thực học/người. Người nghèo học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé phương tiện giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học.

Đối với hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, mô hình công nghệ cao, chuyển giao khoa học công nghệ trên các vùng sinh thái theo dự án, hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ tối đa 100% và không quá 5 triệu đồng/hộ; hộ nghèo ở vùng khác được hỗ trợ tối đa 50% chi phí và không quá 3 triệu đồng cho chi phí về giống và vật tư, cũng như hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Doanh nghiệp có đề án tự tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề, vừa học vừa làm và nhận người nghèo vào làm việc ổn định (tối thiểu 24 tháng) cũng được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người nghèo (áp dụng đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện công nhận là cơ sở dạy nghề).

+ Thực hiện chủ trương của Đảng về hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, trong những năm qua, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm ngày càng hoàn thiện; nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, lao động nông thôn, lao động thuộc diện chính sách xã hội, lao động là dân tộc thiểu số học nghề và tạo việc làm được thực hiện như: dạy nghề miễn phí cho người nghèo; hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, kiến thức trước khi đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhận lao động thuộc vùng thu hồi đất nông nghiệp vào làm việc; hỗ trợ kinh phí học nghề cho đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách,...

Các đơn vị cung cấp dịch vụ dậy nghề cho người nghèo: các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn khác)

Theo báo cáo từ Tổng cục dạy nghề, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta đã được phát triển nhanh, rộng khắp. Tính đến cuối năm 2010 cả nước có:
• 123 trường cao đẳng nghề, 303 trường trung cấp nghề (tăng gấp 3,29 lần so với năm 1998);
• Số trung tâm dạy nghề là 810 (tăng 5,18 lần) và hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề, trong đó có gần 200 cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp ( gấp 3 lần).
• Quy mô dạy nghề tăng nhanh (4 lần); trong đó, dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề (dạy nghề dài hạn) tăng 4,77 lần (từ 75.600 lên 360.000); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2010 là 30%.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, thực tế, hiện việc đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề đào tạo nghề đạt đẳng cấp quốc tế, công nhân có tay nghề cao có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo dự thảo “Kết quả lựa chọn nghề trọng điểm và trường có nghề trọng điểm để đầu tư giai đoạn 2011 – 2020” do Tổng cục Dạy nghề thực hiện, sẽ có 164 nghề trọng điểm được chọn, đến năm 2020 sẽ có 40 trường dạy nghề chất lượng cao, 12 trường đạt đẳng cấp quốc tế (năm 2015 là 5 trường), 28 trường đạt đẳng cấp khu vực ASEAN (năm 2015 là 14 trường). Các trường còn lại sẽ có ít nhất có 1 nghề trọng điểm cấp quốc gia. Cũng theo kế hoạch, tất cả các trường cao đẳng, trung cấp nghề công lập thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, địa phươngịnh 1996 đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư theo nghề, cấp độ ở mức độ khác nhau.

Năm 2010 , cả nước thực hiện quyết định 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT và đã đạt được những thành quả lớn, như:
• Quy mô chất lượng dạy nghề được nâng cao. Tuyển mới dạy nghề cho hơn 1,7 triệu người (tăng 6,6% so với năm 2009). Trong năm đã thành lập 13 trường cao đẳng nghề, 17 trương trung cấp nghề, 62 trung tâm dạy nghề. Chất lượng dạy nghề cũng được chuyển biến rõ, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ngay là 80,39%, trong đó 32,5% có mức lương từ 3,6 đến hơn 4,5 triệu đồng/tháng.
• Triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Cả nước đã tổ chức trên 9.000 lớp dạy nghề cho khoảng 277.000 lao động nông thôn, các lớp học nghề đều gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập của lao động nông thôn. Nhiều mô hình dạy nghề ở xã, thôn rất phong phú, đa dạng, tạo bước đột phá nhận thức về học nghề, lập nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, thanh niên cả nước.
• Đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và người lao động. Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành được một số văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện pháp lý cần thiết để triển khai các hoạt động của Đề án.
• Sau 1 năm thực hiện Đề án 1956, cả nước đã đào tạo nghề cho 345.140 lao động nông thôn, trong đó khoảng 48,6% học các nghề nông nghiệp; khoảng 51,4% học các nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%.
• Đã thành lập 13 trường cao đẳng nghề, 17 trương trung cấp nghề, 62 trung tâm dạy nghề.
• Chất lượng dạy nghề cũng được chuyển biến rõ, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ngay là 80,39%, trong đó 32,5% có mức lương từ 3,6 đến hơn 4,5 triệu đồng/tháng.
• Quy trình tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả theo mục tiêu của Đề án đã được xác định, trong đó làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu, xác định nghề cần đào tạo, đến việc tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động hoặc “bao tiêu” sản phẩm và việc làm của người sau đào tạo nghề.
• Tất cả các tỉnh/thành phố đã hoàn thành công tác điều tra, trong đó 35 tỉnh đã tổng hợp nhu cầu học nghề, danh mục nghề đào tạo.
• Các điều kiện để nâng cao năng lực đào tạo nghề cho LĐNT như: đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề tiếp tục được tăng cường.
• Việc thí điểm dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và nâng cao mức sống ở 11 xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, ở 11 tỉnh điểm thực hiện Đề án, ở các huyện điểm, xã điểm của 63 địa phương; các mô hình dạy nghề cho vùng chuyên canh, dạy nghề cho lao động trong các làng nghề, dạy nghề gắn với doanh nghiệp đã thu được những kết quả bước đầu tích cực.
• Cả 63 tỉnh trên cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1956, 73% cấp huyện và 49% cấp xã đã thành lập ban chỉ đạo. Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Hiệu quả của công tác dậy nghề cho người nghèo trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian tới

Khảo sát đánh giá xây dựng danh mục các cơ sở dạy nghề có chất lượng, phù hợp nhu cầu của người lao động. Hiện nay có rất nhiều chương trình của chính phủ và các tổ chức đang tiến hành, cần phải rút ra một số kinh nghiệm bước đầu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả và bền vững, phải hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, thông qua đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho họ với các hình thức phù hợp. Để thực hiện có hiệu quả dự án dạy nghề cho người nghèo, phải tìm được đầu ra cho lao động nghèo sau khi được đào tạo. Muốn vậy, phải trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thu hút lao động nghèo vào làm việc; hoặc khai thác, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có đầu ra ổn định, truyền nghề, tạo nghề cho lao động nghèo để tổ chức tạo việc làm dưới dạng “vệ tinh” của doanh nghiệp. Nhóm dự án sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá và lập danh mục các cơ sở dạy nghề thực hành, uy tín, có chất lượng, giúp chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.






Hiện nay các cơ sở dạy nghề đa số dạy nghề theo chỉ tiêu chưa theo nhu cầu của thị trường và người học, vì vậy, nhóm sẽ xây dựng bộ công cụ giúp các cơ sở có thể tìm hiểu nhu cầu học nghề của lao động nghèo để có những hình thức đào tạo nghề phù hợp, tìm kiếm các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp bảo đảm điều kiện tạo việc làm cho lao động nghèo hoặc nhận lao động nghèo vào làm việc sau khi được đào tạo. Đặc biệt hiện nay có nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ lao động khuyết tật.

1 Tổng hợp từ các nguồn báo cáo sẵn có
2 Dựa vào đánh giá và phỏng vấn với các tổ chức có liên quan đến đào tạo nghề

Tìm kiếm