(HNM) - Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động, thiếu cơ quan chức năng cụ thể để hướng dẫn thi hành luật, các quy định còn mang tính nguyên tắc… Đó là những hạn chế bộc lộ sau 5 năm triển khai Luật Dạy nghề. Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp.
Đào tạo nghề cho người lao động tại TT hướng nghiệp dạy nghề
huyện Từ Liêm.
Ảnh: Thu Giang
Sau 5 năm kể từ khi Luật Dạy nghề có hiệu lực, đã có 142 văn bản liên quan đến lĩnh vực này được ban hành. Tuy nhiên, phần lớn các quy định mang tính nguyên tắc chung nên hiệu quả thi hành Luật Dạy nghề trong thực tế còn hạn chế. Chẳng hạn, Luật Dạy nghề quy định nhiều vấn đề mới, trong đó có nhiều nội dung phức tạp, cần phải có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, sau đó mới có thể hướng dẫn áp dụng rộng rãi. Ví dụ như vấn đề tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, kiểm định chất lượng dạy nghề, luật đòi hỏi phải có ngay các văn bản, tạo sức ép về tiến độ soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn…
Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) từ khi thực hiện Luật Dạy nghề, kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề đã được nâng lên, 80-85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo; 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên; 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp... Đây là những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại quá rõ.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thì đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện nay còn thiếu cả số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Các địa phương cũng chưa hình thành được những cơ sở dạy nghề và trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, cơ cấu đào tạo nghề và trình độ đào tạo chưa hợp lý. Chất lượng đào tạo nghề mặc dù được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm, như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm… Kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vì vậy vẫn còn khoảng cách lớn so với khu vực và trên thế giới.
Thực tế trên đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề. Đại diện UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần sửa đổi quy định về chuẩn giáo viên (chứng chỉ sư phạm dạy nghề) với giáo viên dạy nghề ở từng cấp và ban hành chính sách với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể về liên thông, liên kết và đào tạo nghề với các cơ sở dạy nghề có yếu tố nước ngoài…
Tổng cục Dạy nghề cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề rất cần thiết vì Việt Nam đã không còn lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ. Vì thế, để thu hút người lao động học nghề, luật nên quy định mở rộng đối tượng được hưởng chính sách học nghề đặc thù, mũi nhọn, đồng thời phải có quy định về liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề.
Vũ Dung
http://hanoimoi.com.vn/