Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Bình Đại (Bến Tre): Hiệu quả từ công tác dạy nghề gắn với công tác giảm nghèo

Qua 3 năm thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lao động nông thôn huyện Bình Đại đã tìm được việc làm tại các cơ sở khu công nghiệp, tại hộ gia đình hoặc áp dụng thành công vào sản xuất, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Lao động nông thôn áp dụng nghề vá lưới vào đời sống kinh tế. (Ảnh: T.Mai) 

Ngay từ khi mới triển khai dự án, huyện xác định công tác tuyên truyền rất quan trọng nên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, quan điểm, mục đích, các chính sách hỗ trợ và đối tượng thụ hưởng.

Hàng tuần, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn; lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp, họp tổ NDTQ với 5.214 người tham dự. Thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề, học nghề chính sách hỗ trợ học nghề tại 20 xã, thị trấn với 20 cuộc có trên 453 người tham dự.

Trên cơ sở đó, huyện tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn nhằm tổ chức các ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của người lao động. Trong 3 năm qua, huyện đã mở 58 lớp dạy nghề cho 1.717 lao động, sau học nghề có 1.067 người tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đạt 62,1%. Số lao động còn lại làm tại hộ gia đình và thành lập các tổ hợp tác.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 6 tổ hợp tác may gia công tại các xã Long Hòa, Phú Thuận, Thới Lai, Phú Long, Thạnh Trị và Thới Thuận, hàng tháng giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 150 lao động với thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng về xuất khẩu lao động cho người lao động tại các xã, thị trấn, qua đó có 6 lao động được trúng tuyển xuất khẩu lao động làm việc có thời hạn tại nước ngoài.

Việc đào tạo nghề góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Qua 3 năm thực hiện Đề án, 42 hộ gia đình có người tham gia học nghề được thoát nghèo. Góp phần kéo giảm số hộ nghèo trong toàn huyện. Cuối năm 2012, toàn huyện có 4579 hộ nghèo, giảm 479 hộ so với năm 2011.

Tuy Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được nhiều kết quả, nhưng việc thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hầu hết các nghề được dạy ở trình độ dạy nghề thường xuyên và sơ cấp nghề nên chủ yếu áp dụng vào quá trình sản xuất tại hộ gia đình sau khóa học; chưa thực hiện công tác liên kết dạy nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ. Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề còn hạn chế nên người lao động chưa mạnh dạn đăng ký học nghề trong khi nhu cầu khá cao trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và thị trường lao động.

Trong năm 2013, huyện Bình Đại đặc biệt chú trọng tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương. Đáp ứng nhu cầu của người học, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng xã, thị trấn, giải quyết được việc làm và thu nhập cho người học nghề. Đồng thời, quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, hộ nghèo. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Đối với công tác xuất khẩu lao động, từ nay đến cuối năm 2013, huyện sẽ tăng cường rà soát và vận động số thanh niên trong độ tuổi lao động tham gia tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động. Đặc biệt, người lao động là thân nhân của người có công, người lao động thuộc hộ nghèo đủ điều kiện và có nguyện vọng xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ theo chính sách của Trung ương và địa phương.

Tuyết Mai 
http://www.bentre.gov.vn/

Tìm kiếm