Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Chật vật với việc làm

Điều tra của ILO và Tổng cục Thống kê đưa ra tỉ lệ hơn 50% thanh niên khó khăn, vất vả tìm kiếm việc làm phản ánh khá trung thực thực trạng việc làm của lao động trẻ nước ta.

Hơn 50% thanh niên phải mất 6 năm làm việc tạm thời hoặc ở nhà phụ giúp gia đình mới có thể tìm được việc làm ổn định Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả ban đầu của cuộc điều tra “Chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam”.

Cuộc điều tra này là một phần của dự án “Việc làm cho thanh niên” (Work4Youth) do ILO và MasterCard Foundation hợp tác triển khai ở 28 quốc gia. Tổng cục Thống kê cho biết dù chưa đưa ra báo cáo chính thức nhưng các kết quả ban đầu phản ánh chất lượng việc làm của thanh niên từ 15 đến 29 tuổi rất thấp.

Vất vả tìm việc

Điều tra tiến hành đầu năm 2013, được tổ chức đồng loạt ở các tỉnh, thành. Nội dung chính của điều tra là tập trung khảo sát quá trình chuyển tiếp từ nhà trường đến thị trường lao động, tức từ khi thanh niên rời trường học đến khi có được công việc ổn định hoặc công việc đầu tiên mà họ cảm thấy hài lòng. Kết quả cho thấy chất lượng việc làm thấp ảnh hưởng tới hơn một nửa lao động trẻ.

Cụ thể, có đến 80% thanh niên làm những công việc không chính thức, tạm bợ; trong khi gần 30% làm công việc thấp hơn so với trình độ học vấn, bằng cấp chuyên môn. Bên cạnh đó, hơn 50% thanh niên phải trải qua những công việc tạm thời mà họ không hài lòng hoặc ở nhà phụ giúp gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn.

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tìm việc làm tại ngày hội việc làm 
do trường tổ chức. Ảnh: MAI THANH 

Theo đánh giá của ILO, quá trình chuyển tiếp giữa thời gian học và làm việc của nhóm thanh niên từ 29 tuổi trở xuống kéo dài tới 58,5 tháng, tức gần 6 năm. Thậm chí, nhóm đối tượng này sẽ phải tiếp tục vật lộn trong một khoảng thời gian dài hơn nữa mới có thể tìm kiếm được công việc ổn định. ILO nhận định việc một bộ phận lớn thanh niên phải làm những công việc năng suất thấp, việc làm bấp bênh, tạm thời như nói trên có tác động tới tiềm năng tăng trưởng của quốc gia, tạo áp lực cho các chính sách giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Đừng đánh mất lợi thế

Cuộc điều tra “Chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam” nhằm tìm hiểu những đặc tính và thách thức cụ thể về việc làm của thanh niên; qua đó hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách thiết kế các công cụ hữu hiệu giúp quá trình chuyển tiếp này thuận lợi hơn.

Dựa trên các kết quả điều tra, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận nhanh thị trường lao động, nhất là đối với lao động qua đào tạo.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, mối liên hệ giữa giáo dục, đào tạo và tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nền kinh tế cùng với các chính sách hỗ trợ việc làm, việc làm tốt hơn cần được đẩy mạnh. Trong khi đó, những chính sách khác như hướng nghiệp, tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm, có thể giúp quá trình chuyển tiếp từ trường học tới việc làm thuận lợi hơn.

Hiện nay, theo những kết quả ban đầu của cuộc điều tra, phương pháp tìm việc phổ biến nhất của bạn trẻ là hỏi bạn bè, người thân và qua quen biết... “Việt Nam có một nguồn lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng nếu không có biện pháp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế này thì các bạn sẽ phải chịu những tổn thất về dài hạn” - ông Sziraczki đúc kết.

ÔNG TRẦN ANH TUẤN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP HCM: 

Phải có chính sách đồng bộ 

Điều tra của ILO và Tổng cục Thống kê đưa ra tỉ lệ hơn 50% thanh niên khó khăn, vất vả tìm kiếm việc làm phản ánh khá trung thực thực trạng việc làm của lao động trẻ nước ta. Các khảo sát của chúng tôi ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng trở lên cũng đưa ra tỉ lệ này. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi nền kinh tế và dự báo sẽ còn gay gắt hơn trong những năm tới.

Để rút ngắn quá trình chuyển tiếp, giúp thanh niên thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường lao động, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, định hướng chọn nghề, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, hoàn thiện các chính sách về dịch vụ việc làm, tăng cường đào tạo kỹ năng...

DUY QUỐC

Tìm kiếm