Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Khó đưa pháp luật đến doanh nghiệp

Công tác tuyên truyền pháp luật tại doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều trở ngại vì người lao động và người sử dụng lao động còn thờ ơ “Thiếu kinh phí, thiếu sự tự giác của cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) là những nguyên nhân dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại doanh nghiệp (DN) chưa đạt hiệu quả cao”. Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, đánh giá như vậy tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định 31 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ do sở tổ chức sáng 6-8.

Còn nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Pháp chế Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết từ 2010-2012, thành phố đã thực hiện 2.200 cuộc khảo sát hoạt động tuyên truyền pháp luật tại 100 DN trên địa bàn. Kết quả cho thấy đến 74/100 DN không có kinh phí tổ chức hoạt động tuyên truyền. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động tuyên truyền pháp luật thời gian qua chưa cao” - ông Năm nhận
định.

   

Một tiểu phẩm tuyên truyền được trình bày tại hội nghị. Đây là hình thức tuyên truyền hiệu quả. 
Ảnh: THANH NGA 

Theo ông Năm, 3 năm qua, thành phố đã chi gần 4 tỉ đồng cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong khi kinh phí huy động từ DN chỉ 400 triệu đồng. Hiện chỉ có quận 4, quận 10 và huyện Nhà Bè có trên 50% DN thực hiện tốt công tác này.

Bên cạnh vướng mắc về kinh phí, việc lao động biến động thường xuyên cũng gây nhiều trở ngại cho công tác tuyên truyền pháp luật. Ngoài ra, nhiều DN còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc hợp tác tuyên truyền. Ông Trần Trung Dũng thừa nhận nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động tại DN thiếu sự có mặt của chủ DN, gây ảnh hưởng đến tinh thần tự giác học tập của NLĐ. Mặt khác, các chương trình vẫn chưa huy động được nguồn hỗ trợ từ bên ngoài mà chỉ giới hạn trong phạm vi kinh phí được cấp từ ngân sách. Các ban, ngành chức năng cũng chưa có giải pháp cụ thể khuyến khích DN đóng góp kinh phí xây dựng chương trình tuyên truyền tại đơn vị.

“Có thể nói, việc thực hiện công tác xã hội hóa kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong DN vẫn chưa được thực hiện, DN chưa chủ động tổ chức tuyên truyền pháp luật cho NLĐ” - ông Dũng đúc kết.

Nên nhân rộng cách làm hay 

Ý thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật là giúp cho NLĐ tự bảo vệ, những năm qua, LĐLĐ TP HCM đã liên tục đổi mới, đa dạng hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho họ. Bên cạnh cách thức “truyền thống” như phát tài liệu bỏ túi, tuyên truyền miệng…, một trong những hình thức được LĐLĐ TP chú trọng áp dụng và mang lại hiệu quả cao là vừa giáo dục vừa tạo điều kiện cho công nhân (CN) vui chơi, giải trí.

Điển hình là chương trình Giờ thứ 9. Ở chương trình này, những kiến thức pháp luật khô cứng được lồng ghép sinh động vào các tiểu phẩm hài hoặc trò chơi giúp NLĐ hứng khởi, tiếp thu dễ dàng. Bên cạnh đó là hình thức tuyên truyền thông qua tổ CN tự quản. Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết: “Trong khi nhiều chủ DN né tránh hoặc không hợp tác với các đoàn thể trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho CN thì đây là giải pháp hữu hiệu mà LĐLĐ TP đang hướng tới”. Theo ông Cường, hiện nay, TP HCM có 2.441 tổ CN tự quản với 200.000 CN, nếu làm tốt việc tuyên truyền sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn.

Thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị cũng chủ động đưa ra được cách tuyên truyền hay. Chẳng hạn, tại Công ty Dịch vụ công ích quận 5, nỗ lực duy trì tủ sách pháp luật trong nhiều năm qua, trong đó chú trọng cập nhật những chính sách mới và thiết thực, đã dần giúp CNVC-LĐ nâng cao ý thức pháp luật, biết cách tự bảo vệ quyền lợi.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, dù các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền kiến thức pháp luật nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều NLĐ, NSDLĐ chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Do vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, nên nhân rộng những mô hình, cách làm hay như nêu trên.

102.568 lượt NLĐ được tuyên tuyền pháp luật 

Báo cáo tại hội nghị cho biết từ năm 2010 đến 2012, TP HCM đã tổ chức 602 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 102.568 lượt NLĐ, NSDLĐ với các hình thức: Hội thi, hội thảo, tọa đàm... Điển hình là các chương trình: Lao động và việc làm do Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM thực hiện, chương trình Nâng cao hiểu biết về chính trị - pháp luật cho CN do LĐLĐ TP tổ chức thu hút 71.273 người tham gia... Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng biên soạn, in ấn và phát miễn phí 553.502 tài liệu cho CNVC-LĐ.

HỒNG NHUNG - THANH NGA 
http://nld.com.vn/

Tìm kiếm