Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

LĐLĐ Quảng Ninh: Quỹ trợ vốn công nhân nghèo vào cuộc

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo, thuộc LĐLĐ Quảng Ninh đã cho 1.624 lượt CNLĐ nghèo trong toàn tỉnh vay, với tổng số tiền giải ngân 18,67 tỉ đồng, qua đó giúp người lao động phát triển kinh tế gia đình, cải thiện điều kiện về nhà ở và phương tiện sinh hoạt. Điều kiện vay dễ dàng, thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp…, quỹ đang trở thành “ngân hàng” của CNLĐ nghèo và góp phần nâng cao vị thế của công đoàn.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh QN trao vốn vay cho CNLĐ nghèo, nhân dịp sơ kết 1 năm hoạt động Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo (tháng 5.2012). Ảnh: Thanh Hằng 

“Ngân hàng hy vọng”

Sau nhiều năm dọn về ở, căn nhà của cô giáo L.T.N ở ngoại ô TP.Hạ Long gần đây mới được hoàn thiện nốt bằng chính 20 triệu cô vay từ Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo. Cô tâm sự, nếu không được quỹ cho vay, có lẽ gia đình vẫn sống trong ngôi nhà xây thô, bởi đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, trong khi khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại.

Chị Đỗ Thị Kim Chung - công nhân, Cty CP may 27.7, TP.Hạ Long - cho biết, nhờ nguồn vốn vay của quỹ, con chị đã không phải nghỉ học giữa chừng.

Theo khảo sát của một số CĐ cấp huyện, số khách hàng là giáo viên tiểu học khá đông: Vay tiền để sửa nhà và mua sắm trang thiết bị dạy học, bởi vay ở ngân hàng rất khó, trong khi nhu cầu chỉ cần số vốn nhỏ.

Những câu chuyện như thế có thể ghi nhận được ở nhiều “khách hàng” của quỹ ở khắp các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Quảng Ninh.

Số tiền được vay không nhiều, từ 10 - 20 triệu đồng/người/lần vay, nhưng nếu đi vay ở các ngân hàng thương mại, nhiều CNLĐ nghèo không đủ điều kiện; chưa kể, không ít ngân hàng luôn tìm cách “lánh” những đối tượng khách hàng này.

Theo bà Đỗ Thị Lan - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ninh - đây cũng là một trong những lý do LĐLĐ tỉnh quyết định thành lập quỹ, từ nguồn vốn kết dư của các đơn vị hoạt động kinh tế trực thuộc LĐLĐ tỉnh để lại, và trở thành địa phương thứ 3 trên cả nước có quỹ này.

Quỹ có 2 sản phẩm cho vay: 10 triệu với thời hạn 20 tháng, lãi suất 0,85%; 20 triệu có thời hạn 25 tháng, cũng với lãi suất 0,85%.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hạ Long - đơn vị đang quản lý hồ sơ 190 “khách hàng”, với tổng số vốn vay 2,8 tỉ đồng - Quỹ đã trở thành người bạn đồng hành của CNLĐ nghèo, bởi đến với quỹ, họ không phải thế chấp, mà chỉ cần có bảo lãnh công đoàn đơn vị mình, trong khi thủ tục nhanh gọn, đơn giản; thời gian, cách thức trả lãi, gốc hợp lý...

Vì lẽ đó, hồ sơ xin vay vốn của CNLĐ nghèo trên toàn tỉnh dồn về quỹ tăng theo từng tháng, nhưng không đáp ứng đủ, bởi nguồn vốn của quỹ rất hạn chế.

Mở rộng hoạt động

Được thành lập vào 9.12.2010, với số vốn ban đầu 5,5 tỉ đồng, đến nay, Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo có 8,5 tỉ đồng nhờ bổ sung hằng năm và chút ít lãi suất cho vay. Con số cho vay 18,67 tỉ đồng, trong khi quỹ chỉ có 8,5 tỉ đồng phần nào cho thấy quỹ đã hoạt động khá hiệu quả, quay vòng liên tục - 10 tỉ đồng/năm - để tăng số lượng CNLĐ được vay.

Nếu như thời gian đầu chỉ có CNLĐ thuộc khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước được vay, thì nay, quỹ đang mở rộng sang các khách hàng thuộc khối tư nhân. Tuy nhiên, việc tiếp cận quỹ đối với đối tượng khách hàng này không phải dễ, bởi họ thường xuyên thay đổi nơi làm việc, hoặc CĐ cơ sở chưa đủ mạnh để có thể đứng ra tín chấp.

Theo bà Đỗ Thị Lan - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ninh - khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn quỹ hạn hẹp. Hiện nay, mỗi tháng quỹ nhận được khoảng 500 hồ sơ vay, với tổng số tiền lên tới 5 tỉ đồng, trong khi năng lực của quỹ chỉ đáp ứng được 800 triệu - 1 tỉ đồng/tháng. Số tiền vay từ 10 - 20 triệu đồng/người/lần vay, theo ý kiến của các khách hàng, cũng còn nhỏ so với nhu cầu.

Theo bà Lan, để đáp ứng nhu cầu hiện nay, quỹ cần có nguồn vốn từ 40 - 50 tỉ đồng. LĐLĐ Quảng Ninh đã có đề xuất lên Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ nguồn vốn, để quỹ mở rộng hoạt động.

Được biết, Bộ Tài chính vừa khảo sát ở Quảng Ninh để có kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam tăng nguồn vốn cho CNLĐ nghèo vay. “Nếu quỹ được tăng vốn, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng và nội dung cho vay, trong đó tập trung cho vay để đào tạo nghề - một nhu cầu khá bức thiết hiện nay. Chẳng hạn, CNLĐ nghèo thất nghiệp muốn học nghề khác để tìm việc, hay đang làm việc và muốn nâng cao tay nghề, nhưng không đủ tiền thì chúng tôi sẽ cho vay với lãi suất ưu đãi” - bà Đỗ Thị Lan cho biết.

Nguồn: http://laodong.com.vn

Tìm kiếm