Một suất ăn công nghiệp của công nhân. Ảnh: Xuân Bình
Nâng khống bao nhiêu cũng được
Ông Tuấn, chủ cơ sở suất ăn công nghiệp tại khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương quả quyết: “Làm một suất cơm 10.000 đồng, chúng tôi sẽ xuất hóa đơn 12.000 đồng hay làm 12.000 đồng, chúng tôi xuất hóa đơn 15.000 đồng. Muốn nâng khống giá bao nhiêu cũng được hết”.
Ông Tuấn cho biết thêm, nếu công nhân công ty nào dễ tính thì đặt cơm giá 8.000-9.000 đồng/suất ông cũng nấu được, hóa đơn xuất ra bao nhiêu tùy phía đặt cơm. Tuy nhiên, với giá này chất lượng suất cơm rất tệ, công nhân dễ phản ứng xảy ra đình công.
Theo ông Tuấn, phải chi đậm hoa hồng như vậy mới giữ được mối làm ăn lâu dài với mình, nếu không phía đặt cơm sẽ tìm nơi cung cấp khác.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH HP đóng trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM) - chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình và lân cận - cũng đưa ra mức ăn chia như vậy khi chúng tôi bày tỏ ý định đặt cơm cho công nhân. Theo đó, khi khách hàng ký hợp đồng mua suất ăn giữa ca giá 15.000 đồng, Công ty HP sẽ nấu với chất lượng chỉ 12.000 đồng, 3.000 đồng còn lại chi cho khách hàng trực tiếp đến đặt bữa ăn. Sang - nhân viên kinh doanh của HP - cho biết, định lượng suất ăn (cơ cấu dinh dưỡng) và hóa đơn sẽ được làm theo khẩu phần 15.000 đồng/suất gửi cho phía đặt hàng, còn thanh toán trên thực tế chỉ 12.000 đồng.
Tại cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp OM gần vòng xoay An Phú (khu phố 2, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương), bốn nhân công phục vụ đang khẩn trương chia thức ăn vào khay để chuẩn bị đi giao cơm cho các công ty gần đó. Thức ăn đựng trong những thau nhựa đặt trên nền nhà bẩn, ẩm ướt và cách nhà vệ sinh chưa đến 2m. Dưới gầm giường gần đó chất ngổn ngang rau quả. Còn chỗ nấu ăn sát ngay nơi rửa chén lênh láng váng mỡ dưới nền nhà và nhầy nhụa đồ ăn bỏ đi đọng trên nắp gạn nước thải. Đây là cơ sở cung cấp suất ăn được nhiều công ty ưa chuộng, vì giá nào cũng làm được, đặt làm rẻ nhưng muốn xuất hóa đơn bao nhiêu tùy ý.
Lấy miếng gà chiên nhỏ cho vào khay, bà Trịnh Thị Ngọc N - chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp OM - nói với chúng tôi: “Suất ăn giá 8.000 đồng như vầy được không? Mình làm 8.000 đồng, nhưng phải coi sao cho đẹp”. Thức ăn của suất cơm được bà N. nói là 8.000 đồng này, ngoài miếng thịt gà nhỏ còn có thêm vài miếng cà tím xào được thái “siêu nhỏ”.
Theo điều tra của chúng tôi, cơ sở của bà N cung cấp cơm cho bốn công ty ở hai huyện Dĩ An và Thuận An, tỉnh Bình Dương và đều thực hiện theo kiểu “đặt cơm giá thấp, nhưng xuất hóa đơn giá cao”.
Cụ thể, giá cơm ghi trên hóa đơn thanh toán được bà N xuất ra cho bên mua 11.000-15.000 đồng/suất, nhưng thực tế bà N chỉ nhận tiền 8.000-12.000 đồng, phần chênh lệch người đi đặt cơm của công ty hưởng. Như người của Công ty BM đặt cơm chỉ 10.000 đồng/suất, nhưng lấy hóa đơn báo về công ty 11.000 đồng/suất. “Làm cơm kiểu này phải làm cho khéo, nếu không công nhân sẽ phản ứng liền” - bà N nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các suất cơm 8.000 đồng, 10.000 đồng và 12.000 đồng được "phù phép" trên hóa đơn lần lượt thành 10.000 đồng, 12.000 đồng và 15.000 đồng với khẩu phần món mặn thường là gà chiên, cá chiên rất khô khan, suất nào khá hơn thì có con cá điêu hồng nhỏ kho cà chua, còn lại là một ít đồ xào và canh “đại dương” với chỉ một ít rau và toàn nước.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bình Dương - cho biết trong hai năm 2010-2011, qua kiểm tra thì 30% chi phí của mỗi suất ăn công nhân dùng để chi cho nhân công nấu nướng, nhiên liệu, gia vị, vận chuyển... Có nơi suất cơm chỉ 7.000 đồng khi chưa trừ chi phí. Như vậy, một suất cơm mà công ty đặt cơ sở nấu ăn của bà Nga 12.000 đồng, trừ phần kê khống thì chi phí thật cho bữa ăn đó chỉ là 10.000 đồng, trừ thêm hao hụt nữa, suất cơm đến với công nhân chỉ còn 7.000 đồng. Nếu đặt suất 10.000 đồng, trừ hoa hồng và chi phí hao hụt thì suất ăn chỉ còn lại 5.000-6.000 đồng. “Phần còn lại của công nhân chủ yếu là... cơm trắng” - ông Đạt nói.
Chưa có quy định về giá suất ăn công nghiệp
Ông Nguyễn Văn Đạt cho hay, hiện chưa có văn bản quy định về giá thành suất ăn công nghiệp và theo khảo sát của Chi cục ATVSTP Bình Dương năm 2010-2011, thì phải đúng 15.000 đồng mới đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân.
Tuy nhiên, hiện nay giá cả tăng lên thì giá bữa ăn cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp. Bên cạnh đó, ông Đạt kiến nghị cơ quan chức năng cần phải ban hành quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu. Nếu để thực trạng trên kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, suy giảm năng suất lao động cùng nhiều hệ lụy khác...
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP - cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện nghiên cứu để đưa ra khẩu phần ăn phù hợp, đủ chất dinh dưỡng cho từng nhóm công nhân làm việc ở các cấp độ khác nhau. Cục ATVSTP sẽ kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động VN, Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định suất ăn tối thiểu cho công nhân, quy chuẩn thực hiện khẩu phần ăn đáp ứng đủ dinh dưỡng để công nhân có thể tái tạo sức lao động.
Lãnh đạo một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho biết, một suất cơm 15.000 đồng gồm món mặn, món xào và cơm canh đủ no mới đủ định lượng cho công nhân đủ sức làm việc. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp cung cấp suất ăn sẵn sàng hạ giá cho doanh nghiệp đặt mua, gom thực phẩm không đảm bảo chất lượng về nấu cho công nhân ăn nên dễ gây ngộ độc thực phẩm, bữa ăn không đủ chất.
Bên cạnh đó, việc chi hoa hồng giữa nhà cung cấp suất ăn cho công ty sử dụng lao động cũng ngấm ngầm cắt xén chất lượng bữa ăn của công nhân. Một khẩu phần ăn bởi thế bị hao hụt đi vì nhiều khâu, và công nhân là người lãnh đủ.
Theo Dân việt