Từ đầu năm đến nay, tại Hải Phòng, do tình hình kinh tế suy giảm, dẫn đến việc nhiều đơn vị không có đơn hàng, trong khi hàng sản xuất bị tồn đọng… đã làm hàng ngàn lao động bị mất việc.
Cả hai ngành may mặc và da giày vốn là địa chỉ thu hút hàng chục ngàn lao động từ nhiều năm qua hiện cũng đang điêu đứng.
DN phá sản, NLĐ điêu đứng
Theo Cục Thuế Hải Phòng, TP có 23.000 DN đăng ký hoạt động, đến thời điểm hiện tại, trên 3.000 DN đã bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh; gần 7.000 DN tạm đóng mã số thuế. Gần 13.000 DN còn lại không phải DN nào cũng hoạt động. 6 tháng đầu năm 2012, hơn 4.000 LĐ nghỉ việc chờ lương, 11.800 LĐ nghỉ chờ việc không lương; số LĐ mất việc làm là 14.000 người, tập trung ở các ngành đóng tàu và sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, da giày.
Ông Nguyễn Đức Châu - Chủ tịch CĐ Công Thương Hải Phòng - cho biết: Tính đến hết tháng 9.2012, công đoàn ngành có 143 CĐCS với tổng số LĐ khoảng trên 45.000 người. Ngành nghề chính chiếm số đông là LĐ thuộc lĩnh vực da giày, may mặc. Chỉ tính riêng 20 DN lớn đã chiếm trên 80% tổng số LĐ. Những DN da giày lớn như Cty TNHH Đỉnh Vàng (hơn 7.000 LĐ), Sao Vàng (6.000 LĐ); Cty TNHH Aurora (7.000 LĐ), Cty TNHH may 2 (3.000 LĐ)...
Theo ông Châu, đến thời điểm hiện tại, toàn ngành có 108/143 DN báo cáo gặp khó khăn do không có đơn hàng. DN phải cho LĐ nghỉ luân phiên, nhiều đơn vị cho LĐ nghỉ chờ việc. Mấy chục DN đã giải thể, hàng ngàn NLĐ mất việc. Một số DN càng sản xuất càng lỗ như Cty ôtô Hoa Mai, Cty giày Phúc An (Q.Kiến An), từ đầu năm đến giờ giảm hơn 100 LĐ, Cty may mặc Hoa Hải (ở Trường Sơn, An Lão) phải giảm hơn 70% LĐ, hiện chỉ còn vài chục công nhân; Cty TNHH Kim Long (Kiến An) trước có hơn 1.000 LĐ giờ chỉ còn một nửa. Cty sản xuất nến thơm Cretive Light (An Dương) cũng do không có đơn hàng nên từ chỗ có hơn ngàn LĐ giờ chỉ còn khoảng 300 CN...
Đặc biệt, Cty TNHH Thái Sơn thời kỳ cao điểm có tới ngàn LĐ, nhưng mới đây, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ và một số cán bộ của Cty bị bắt giam do có liên quan đến món nợ hơn 1.300 tỉ đồng, dẫn đến toàn bộ LĐ của Cty trên bị mất việc làm. Cty giày Long Sơn (Quán Toan - Hồng Bàng), mới giải thể cách đây 2 tháng, hàng ngàn LĐ cũng bị mất việc...
Tổng cộng, số LĐ ở các đơn vị thuộc ngành công thương có tổ chức CĐ bị mất việc làm từ đầu năm đến hết tháng 9.2012 là 1.755 người, số thiếu nhỡ là gần 4.500 LĐ. Còn những DN chưa có tổ chức CĐ không thể tính hết được.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Theo ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Trưởng phòng Lao động việc làm, tiền lương và BHXH (Sở LĐTBXH Hải Phòng) - tính đến hết tháng 9.2012, trên địa bàn TP.Hải Phòng có 6.501 LĐ đến đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 3.983 LĐ là đủ điều kiện được hưởng trợ cấp. Số còn lại do chủ DN còn đang nợ BHXH, hoặc DN phá sản, bỏ trốn... dẫn đến các chế độ, quyền lợi của NLĐ không được thực hiện.
Cũng theo ông Hoàng, mặc dù theo quy định, các DN phải báo cáo số LĐ tăng giảm trong thời gian định kỳ (6 tháng/lần), nhưng do không có chế tài, nên các DN không báo cáo với sở. Hàng chục ngàn DN hoạt động, nhưng chỉ có 54 DN báo cáo số lượng LĐ. Ngay cả các số liệu này, để kiểm chứng có chính xác không cũng lại là cả vấn đề.
Tuy nhiên, theo thông tin từ sở, những ngành nghề thiếu nhỡ việc làm nhiều nhất vẫn là ngành đóng tàu (tập trung ở các đơn vị thuộc Vinashin) và ngành may mặc, da giày. Ông Nguyễn Đức Châu - Chủ tịch CĐ Công Thương Hải Phòng - cho biết: Đây là thời kỳ hoạt động của các CĐCS gặp khó khăn do trách nhiệm của tổ chức CĐ nặng nề hơn. Nguyên nhân là do các DN gặp khó khăn, sản xuất đình trệ, hàng tồn kho nhiều... dẫn đến việc thực hiện các chế độ, quyền lợi của NLĐ không được như trước, dễ dẫn đến kiến nghị, tranh chấp LĐ.
Cùng với đó, do mất hoặc thiếu nhỡ việc làm, nên thu nhập của NLĐ giảm, trung bình toàn ngành là 3 triệu đồng/người/tháng, riêng ngành may mặc, da giày chỉ từ 1,7 – 1,7 triệu đồng/tháng, đời sống công nhân vô cùng khó khăn, nên rất cần sự trợ giúp của cộng đồng cũng như các cơ quan chức năng. CĐ ngành cũng đã tổ chức giới thiệu cho những LĐ mất việc ở các Cty đã phá sản hoặc giải thể sang những đơn vị có khả năng tiếp nhận và cùng với LĐLĐ TP tổ chức hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Châu, những việc làm trên của CĐ cũng chỉ như muối bỏ bể. Để các DN đi vào hoạt động sản xuất ổn định, có nhiều việc làm cho NLĐ thì cần phải có chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô, cũng như sự hỗ trợ, tháo gỡ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng, để NLĐ yên tâm làm việc, đảm bảo cuộc sống.
Nguồn: http://laodong.com.vn