(Dân Việt) - Điều tra nhu cầu việc làm, dựa vào vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương, lựa chọn doanh nghiệp tin cậy để liên kết dạy nghề, thu mua sản phẩm cho nông dân là cách làm Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình đang triển khai.
Với cách làm này, 100% học viên sau khi học nghề xong sẽ có việc làm, thu nhập ổn định.
Các học viên được dạy nghề và cung cấp công ăn việc làm ngay tại chỗ.
Học xong là có việc làm
Thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Ninh Bình có chủ trương gắn với xây dựng các mô hình ND sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Phạm Văn Việng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong tháng 9.2012, Hội ND tỉnh khai giảng 7 lớp dạy nghề cho ND, bình quân mỗi lớp từ 30 - 35 người. Các nghề Hội tổ chức dạy là nghề gia công đồ trang sức mỹ ký mở ở xã Yên Mạc (huyện Yên Mô); đan bèo bồng, bẹ chuối, trồng nấm ở các xã Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Thành, Yên Lâm (Yên Mô); trồng nấm ở xã Gia Minh (Gia Viễn)... Thời gian mỗi lớp học 3 tháng, cuối khóa học viên sẽ kiểm tra tay nghề, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp.
Ông Việng cho biết thêm, trước khi mở các lớp dạy nghề này, chúng tôi đã điều tra nhu cầu học nghề của ND các địa phương, từ đó lên kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của ND, từ đó lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực vừa dạy nghề cho ND, vừa đáp ứng được khâu thu mua sản phẩm bà con làm ra. Và Doanh nghiệp tư nhân Vang Nhung đã đáp ứng được yêu cầu này. Doanh nghiệp cam kết, 100% học viên sau khi tốt nghiệp, lại hoàn toàn đủ năng sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm.
Theo ông Nguyễn Văn Vang- Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vang Nhung: "Những nghề mà Hội ND đào tạo lần này cho người dân khá dễ. Học xong, học viên có thể làm ngay tại gia đình, với mức thu nhập bình quân từ 1-2 triệu đồng/tháng/người không khó".
Nông dân thích đi học
"100% diện tích canh tác Yên Thành là đồng chiêm trũng, quanh năm người dân chỉ cấy lúa làm, ngoài ra không có nghề truyền thống, nên sau mùa vụ bà con đều ở nhà chơi. Khi Hội ND tỉnh thông báo mở lớp dạy nghề đan bèo bồng, bẹ chuối, trồng nấm, bà con rất phấn khởi đăng ký tham gia học" - ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội ND xã Yên Thành cho hay.
“Những nghề mà Hội ND đào tạo lần này cho người dân khá dễ. Học xong, học viên có thể làm ngay tại gia đình, với mức thu nhập bình quân từ 1-2 triệu đồng/tháng/người không khó”.
Ông Nguyễn Văn Vang cho biết
Học viên Vũ Thị Lan (35 tuổi) ở thôn Khê Trung, xã Yên Đồng cho hay: "Gia đình tôi làm có hơn 1 sào ruộng, nên quanh năm phải đi tứ xứ làm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Biết tin Hội ND tổ chức dạy nghề đan bèo, trồng nấm, vợ chồng tôi đăng ký tham gia ngay".
Bà Vũ Thị Loan - Chi hội trưởng Chi hội ND xóm Thừa Tiên, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô phấn khởi: “Những rơm rạ bỏ đi sau khi thu hoạch, bèo bồng mọc tràn lan ở dưới sông, ngòi, mương; các tầu bẹ chuối héo úa trước chỉ có bỏ đi, giờ đây được đưa vào làm hàng xuất khẩu. Đó là kết quả của dạy nghề đấy. Có nghề, có thu nhập, sẽ không còn cảnh nông nhàn nữa"...
Trần Quang