Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Công nhân được hưởng quyền lợi cao hơn luật

THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ NGÀNH DỆT MAY VN 
Một trong những điều dễ nhận thấy nhất mà thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành dệt may (DM) VN đem lại cho NLĐ là mức ăn ca có nơi đạt tới 25.000đ/suất. Quan trọng hơn, mức thu nhập tối thiểu của CN đi làm đủ ngày công tiêu chuẩn, đảm bảo năng suất, chất lượng đã được điều chỉnh tăng lên… Đây là những quy định trong TƯLĐTT ngành cao hơn mức quy định của Bộ Luật LĐ.


LĐ ngành DMVN được hưởng nhiều quyền lợi từ TƯLĐTT. ảnh: S.Thu 

Suất ăn ca đêm tăng khoảng 20%

Theo đánh giá của Chủ tịch CĐ DMVN Nguyễn Tùng Vân, ngành DM là ngành sử dụng đông LĐ nhất (2,5 triệu người gồm LĐSX công nghiệp và LĐ phụ trợ, vệ tinh), trong đó 70% là LĐ nữ. Nhiều DNDM thuộc hệ thống CĐ DMVN gặp khó khăn; việc làm, đời sống của NLĐ và hoạt động CĐ cũng khó khăn do quan hệ LĐ phức tạp hơn, thu nhập chưa được cải thiện nhiều, tư tưởng chưa yên tâm. Nhưng việc thực hiện thí điểm TƯLĐTT ngành DMVN từ năm 2010 đến nay đã có những tác động tích cực liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ.

Sau thời gian thí điểm, ngày 24.6.2012, CĐ DMVN và Hiệp hội DMVN đã tổ chức ký kết TƯLĐTT lần II với thời hạn áp dụng 2 năm. So với TƯLĐTT ký lần I, lần này một số nội dung được sửa đổi, bổ sung đã tăng cao hơn có lợi cho NLĐ. Về mức ăn giữa ca, thay vì một mức cho các vùng, TƯLĐTT ngành DMVN lúc đầu quy định mức tối thiểu cho vùng 1 là 10.000đ/bữa, vùng 2: 9.000đ, vùng 3: 8.000đ, vùng 4: 7.000đ. Từ 1.10.2011, CĐ DMVN lấy ý kiến để nâng lên 15.000đ, 13.000đ, 12.000đ và 11.000đ tương ứng với 4 vùng, nhưng nhiều đơn vị không đồng ý.

Lý giải điều này, Phó Chủ tịch CĐ DMVN Trương Văn Cẩm cho biết, nhiều DN không chịu được mức này vì thực sự số tiền này cho vào bữa ăn, chưa bao gồm các phụ phí khác. Do đó, CĐ DMVN và Hiệp hội DMVN đã thống nhất “căn cứ vào quy định trong TƯLĐTT ngành đã được ký và tình hình giá cả sinh hoạt tại địa phương, người sử dụng LĐ và BCH CĐCS thỏa thuận tăng mức ăn giữa ca đảm bảo chất lượng bữa ăn cho NLĐ”.

Trên cơ sở đó, đến nay, các đơn vị tham gia TƯLĐTT đều đạt và vượt so với mức quy định trong TƯLĐTT ngành. Một số đơn vị SX đạt mức ăn giữa ca 15.000đ trở lên; các đơn vị thương mại, dịch vụ, viện, trường suất ăn từ 18.000-25.000đ. Nhiều DN còn bố trí ăn sáng miễn phí cho NLĐ như TCty DM Hà Nội, DM Hòa Thọ, dệt Việt Thắng, may Bình Minh, dệt 19/5... Đặc biệt, các đơn vị bố trí suất ăn ca đêm thường cao hơn khoảng 20% trở lên.

Thoả ước góp phần giảm tranh chấp LĐ

Theo quy định của TƯLĐTT ký lần II, mức thu nhập tối thiểu vùng cho CN sản xuất đi làm đủ ngày công, đảm bảo năng suất, chất lượng cũng được tăng từ 1,7 triệu đồng/người/tháng lên 1,95 triệu đồng/người/tháng đối với vùng 1, vùng 2: 1,6 triệu lên 1,85 triệu, vùng 3: 1,5 triệu lên 1,75 triệu, vùng 4: 1,30 triệu lên 1,55 triệu. Kết quả này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn DMVN, Hiệp hội DMVN và CĐ DMVN đối với NLĐ ngành DM.

Các đơn vị tham gia TƯLĐTT đều có mức thu nhập khá. Cụ thể, mức thu nhập bình quân năm 2011 đạt 4,058 triệu đồng/người/tháng, quý I/2012 đạt 4,037 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của CN sản xuất đạt 3,7 triệu đồng, mức thu nhập tối thiểu bình quân 2,8 triệu đồng.

Hai năm triển khai thực hiện TƯLĐTT ngành DMVN đã khẳng định bước đi đúng hướng, bước đầu đem lại kết quả quan trọng. Hầu hết các đơn vị tham gia đều đảm bảo đủ việc làm cho NLĐ. Một vài đơn vị thiếu đơn hàng trong quý I/2012 cho CN nghỉ việc có hưởng lương, song tỉ lệ thiếu việc chỉ chiếm 0,2%.

Đa số các đơn vị áp dụng hệ thống thang, bảng lương của Nhà nước và tuân thủ các quy định về số bậc, thời gian nâng bậc. Một số đơn vị tự xây dựng thang, bảng lương như DM Thành Công có 7 bậc cho CN, gián tiếp 12 bậc, may Việt Hưng: 12 bậc, Long Mã và Tiên Hưng đều 15 bậc... và đều 2 năm xét nâng 1 bậc, căn cứ vào lương tối thiểu vùng. Những tác động tích cực từ TƯLĐTT ngành DMVN góp phần giảm tranh chấp LĐ và giảm biến động LĐ, thu hút thêm nhiều đơn vị - cả người sử dụng LĐ và tập thể NLĐ - đăng ký tham gia TƯLĐTT.

Song Thu

Tìm kiếm