Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Dạy nghề cho lao động nông thôn ở các Trung tâm HN&GDTX: Khó vì quy định “cứng”

Để các Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (HN&GDTX) cấp huyện khẩn trương triển khai hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), các cơ quan liên quan đã có rất nhiều nỗ lực. Ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH tích cực tham mưu và phân khai kinh phí trang sắm thiết bị cho các Trung tâm với mức đầu tư từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/đơn vị. Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ cũng sớm bổ sung 37 biên chế năm 2012 cho các trung tâm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có Trung tâm HN&GDTX Hoành Bồ và Trung tâm HN&GDTX Móng Cái được “cấp phép”. Các trung tâm còn lại đều chưa được phép hoạt động.

Lớp Tin học văn phòng tại Trung tâm HN&GDTX huyện Hoành Bồ. 


Theo Sở LĐ-TB&XH, các trung tâm chưa được cấp phép đều là những đơn vị chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn giáo viên nghề theo quy định. Cụ thể giáo viên tham gia dạy nghề mặc dù có chuyên môn song chưa có chứng chỉ sư phạm. Ngay như đợt bổ sung biên chế 2012 này, mỗi trung tâm được bổ sung thêm từ 2 đến 3 biên chế. Tuy số bổ sung mới này phần nào đáp ứng được sự thiếu hụt về số lượng nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu và chất lượng. Vì phần nhiều là giáo viên văn hoá, không phải giáo viên nghề, hoặc tốt nghiệp các trường kỹ thuật song không có kỹ năng sư phạm. Mà xét theo quy định thì những đối tượng này chưa đáp ứng các tiêu chuẩn để được công nhận đạt chuẩn. Chính vì vậy, hiện nay tại không ít trung tâm đang xảy ra tình trạng thiết bị nằm chờ giáo viên. Từ đó làm chậm lộ trình dạy nghề cho LĐNT theo kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm HN&GDTX huyện Đầm Hà, nhà nước nên có một cơ chế mở cho giáo viên ở một số nghề nhất định. Ông Hải phân tích: “Như đối với nghề tin học hay ngoại ngữ thì giáo viên có trình độ đại học sư phạm ngoại ngữ hay sư phạm tin là đủ, hoàn toàn không cần phải có thêm chứng chỉ sư phạm dạy nghề. Bởi thực tế mục tiêu của khoá học là dạy những kiến thức cơ bản nhất để người học có thể thực hành được ngay; hoặc có thể làm công tác văn phòng hoặc đơn giản hơn là mở các dịch vụ phục vụ việc đánh văn bản. Hay như việc dạy tiếng Trung, tiếng Anh là để người lao động có thể giao tiếp khi giao lưu buôn bán, đi lao động ở nước ngoài… Và thực tế công việc này chúng tôi cũng đã thực hiện hiệu quả từ trước đó”. Về vấn đề tuyển biên chế, ông Trần Công Miện, Giám đốc Trung tâm HN&GDTX TP Móng Cái chia sẻ: “Việc tuyển biên chế giáo viên nghề, thực chất cũng làm chúng tôi rất phân vân. Bởi như đã biết, chỉ khi có đề án 1956, các Trung tâm HN&GDTX mới được thêm chức năng dạy nghề cho LĐNT. Có thể nói dạy nghề cho LĐNT hiện nay đang được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, theo đề án, hoạt động này cũng có thời hạn nhất định. Bởi vậy sau khi kết thúc đương nhiên sẽ nảy sinh vấn đề trong việc sắp xếp công việc cho các giáo viên nghề…”. Đồng ý kiến, quan điểm với ông Miện, ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm HN&GDTX huyện Hải Hà nói: “Chúng tôi đồng ý là phải có giáo viên nghề cơ hữu. Tuy nhiên, nên xem xét, quy định ở một số lượng nhất định nào thôi. Bởi ai cũng thấy nhu cầu xã hội về nghề nghiệp ở mỗi thời kỳ mỗi khác và luôn thay đổi.

Thực tế là các trung tâm không thể đuổi theo nhu cầu xã hội mà tuyển giáo viên được. Trong khi đó suy cho cùng nhiệm vụ phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh thời nào cũng phải triển khai, và đó cũng là một trong những chức năng cứng của các Trung tâm HN&GDTX…”. Thực tế đến thời điểm này, để khắc phục những hạn chế về giáo viên, hầu hết các Trung tâm HN&GDTX đều đang tích cực cử giáo viên của mình tham gia các khoá đào tạo chứng chỉ sư phạm nghề. Được biết hiện tại một lớp về nội dung này do Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức tại Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm cũng sắp hoàn thành. Như vậy, theo đúng quy định, sắp tới ngoài Hoành Bồ và Móng Cái sẽ có thêm những trung tâm khác chính thức được tham gia “sân chơi” dạy nghề cho LĐNT.

Thanh Bình

Tìm kiếm