Năm 2011, tại Hải Phòng có 3.802 người đăng ký thất nghiệp thì 8 tháng đầu năm 2012 con số này đã tăng vọt lên 5.757 người. Theo quy định, người lao động thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Tuy vậy, trong số hơn 5.700 người đăng ký thất nghiệp ở Hải Phòng, không người nào đăng ký học nghề.
Đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hải Phòng.
Đăng ký thất nghiệp tăng đột biến
Sáng 6.9, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hải Phòng - đơn vị duy nhất của Hải Phòng chịu trách nhiệm làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp - gần 100 người xếp hàng làm thủ tục đăng ký thất nghiệp. Tại quầy hướng dẫn của trung tâm, nhân viên liên tục phát hồ sơ và hướng dẫn người đăng ký. Các bàn nhận hồ sơ làm việc không ngơi nghỉ.
Bà Nguyễn Thị Nga - GĐ TTGTVL Hải Phòng - cho biết: “Trong 8 tháng đầu năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp tại Hải Phòng là 5.651 người, tăng 207% so với cùng kỳ 2011. Số người được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 3.507 người, tăng 226% so với cùng kỳ. Lao động thất nghiệp chủ yếu thuộc các ngành giày da, may mặc, đóng tàu, thép...”.
Nguyên nhân của việc tăng đột biến này được bà Mai Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TTGTVL Hải Phòng) - lý giải là do nhiều DN của Hải Phòng, đặc biệt là các DN trong ngành giày da, đóng tàu gặp khó khăn phải cắt giảm lao động hoặc trả lương không thỏa đáng cho công nhân. Mặt khác, nhận thức của người lao động về quyền lợi được hưởng bảo hiểm tăng lên. Nhiều người trước đây thờ ơ thì nay ngay sau khi bị thất nghiệp họ đến trung tâm đăng ký để được hưởng quyền lợi nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Lao động thất nghiệp thờ ơ với học nghề
Tại TTGTVL Hải Phòng, trong khi khu vực đăng ký thất nghiệp mỗi ngày tiếp nhận gần 100 lao động tới đăng ký thì cách đó không xa, Phòng tư vấn học nghề cả ngày chẳng có người lao động nào tìm đến. Khi được hỏi có quan tâm đến học nghề hay không? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ những người đến đăng ký thất nghiệp đều là những cái lắc đầu hoặc cười trừ.
Chị Nguyễn Thị Hương - ở phường An Dương, quận Lê Chân - chia sẻ: “Tôi được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp 1,2 triệu đồng/tháng. Với số tiền này chỉ đủ trang trải phần nào cuộc sống gia đình. Trong thời gian thất nghiệp, tôi vẫn phải ra chợ bán rau, thời gian đâu mà đi học nghề”.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Hải Phòng, trong số hàng nghìn người đăng ký thất nghiệp chưa có ai đăng ký để được hỗ trợ học nghề. Tại sao lao động thất nghiệp “thờ ơ” với học nghề khi mà chính sách này ưu đãi họ?... Chính sách hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp góp phần nâng cao tay nghề cho lao động khi tham gia thị trường. Tuy nhiên trên thực tế khi áp dụng thì các chế độ hỗ trợ không phù hợp và còn có những bất cập. Đối với lao động phổ thông, được hỗ trợ học nghề với mức 300.000đ/tháng, trong khi để học được một nghề mới cần gấp 2-3 lần số tiền được hỗ trợ. Trong điều kiện đại đa số lao động phổ thông khi đã mất việc, cuộc sống khó khăn, không có tích lũy nên rất e dè trong việc đầu tư rèn kỹ năng làm việc.
Trước thực trạng tăng đột biến số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, số tiền Bảo hiểm xã hội Hải Phòng chi trả cho người lao động năm sau đều cao gấp đôi năm trước. Năm 2010, tổng số chi là hơn 5 tỉ đồng, tới năm 2011 lên tới hơn 11 tỉ đồng và 8 tháng đầu năm đã là hơn 22 tỉ đồng. Người lao động dường như vẫn trong vòng luẩn quẩn: Thất nghiệp, không đủ điều kiện học nâng cao tay nghề rồi lại thất nghiệp.
Việt Hòa