“Làm Cty là sướng nhất rồi!” - đó là câu nói của bà Chín Phượng (Ninh Thân - Ninh Hòa - Khánh Hòa) với hàng xóm. Con gái bà vừa học hết lớp 9 đã khăn gói vào TPHCM làm công nhân (CN), chẳng biết sướng khổ thế nào, nhưng tháng nào cũng gửi về nhà 2 triệu đồng. 2 triệu đồng ở nông thôn là đáng quý lắm.
Công việc đồng ruộng vất vả, thu nhập thấp cũng là lý do khiến thanh niên nông thôn
Con gái tôi đi làm công ty!
Lệ - con gái bà Chín Phượng - sinh năm 1989 nhưng đã “Nam tiến” được gần 10 năm. Theo lời kể của bà thì năm 2004, sau khi học xong lớp 9, con bà được bạn bè dẫn vào Đồng Nai làm CN may. “Lương lúc đó được gần 1 triệu/tháng, tháng nào nó cũng gửi về cho tôi gần 400.000 đồng. Giờ con Lệ đã chuyển lên TPHCM, làm ở KCN Tân Bình, lương tháng cũng được 4 triệu. Mỗi tháng gửi về cho tôi 2 triệu đồng” - bà Chín Phượng tự hào kể.
Cùng có con đi làm CN, cô N.K.Liên giải thích việc thanh-thiếu niên ở đây đua nhau vào TPHCM làm Cty. Không được học hành đến nơi đến chốn, nếu cứ bám lấy đồng ruộng hoặc kiếm việc làm ở quê thì chẳng bao giờ có được mức lương 2 triệu/tháng.
Cô Liên dẫn chứng, những quán nhậu, cửa hàng thời trang, quán càphê ở thị xã trả lương cũng chỉ khoảng 1,5 triệu/tháng mà cơm nước, đi lại mình phải tự lo.
“Thôi thì đi Sài Gòn, làm Cty cũng vẻ vang hơn là đi làm quán nhậu. Ăn nhịn để dành thì vài năm cũng có được ít vốn lấy chồng. Cha mẹ nào chẳng buồn khi con cái tha hương cầu thực nhưng muốn ở lại quê, muốn học cái nghề, muốn được làm việc gần nhà đâu phải chuyện dễ, khi mà đứa nào mới lớn cũng mong được đi xa” - cô Liên tâm sự.
Chạy tiền để gửi cho con
Nhưng không phải cứ vào TP, xin vào làm Cty thì sẽ có tiền triệu gửi về. Trong câu chuyện của các bà mẹ có con “Nam tiến”, bà V.T.Tăng ngồi khóc rấm rứt khi chưa gửi được tiền vào cho con. Bà Tăng có cô con gái tên Phương, sinh năm 1992. Sau khi học hết lớp 8, ở nhà một thời gian rồi ngược xuôi lên Đắc Lắc, vào Đồng Nai và bây giờ đang xin làm CN ở một Cty ở KCX Linh Trung I, TPHCM.
Bà Tăng kể, con gái bà đang học việc nên chưa nhận được lương. 2 triệu mang theo sau khi trả tiền thuê nhà, tiền cọc, tiền hồ sơ thì hết sạch. Không người thân, bạn bè nên không biết vay mượn ai. Tối qua gọi điện về cho bà mà Phượng khóc thút thít, xin bà vài trăm để chạy tiền ăn đến cuối tháng.
Bà Tăng vừa nói vừa khóc: “Mấy năm nay nó cứ đi bán quần áo, phụ quán càphê lương tháng nào hết theo tháng đó. Nghe người ta nói đi Sài Gòn làm Cty có tiền dư nên nó quyết định đi. Tôi bảo nó về nhưng nó không chịu về vì về bây giờ thì nó xấu hổ với hàng xóm, với lại tiền mang theo đã hết, càng không thể về”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thân, Ninh Hòa - cho biết: “Số con em học hết cao đẳng, đại học ở xã chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn so với số lượng thanh - thiếu niên lao động phổ thông. Đi làm CN ở các thành phố lớn cũng là một cách giải quyết việc làm nhưng xã không quản được số lao động này.
Để góp phần giảm áp lực dân nhập cư cho các TP lớn, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh - thiếu niên, mỗi năm xã phối hợp với trung tâm dạy nghề của thị xã Ninh Hòa mở các lớp dạy nghề may, điện và giới thiệu việc làm ngay cho thanh - thiếu niên, nhưng số lượng học viên tham gia không cao vì xu hướng của các em là thích đi xa”.
Bà Tăng chạy vạy vay được 500.000 đồng để gửi cho con gái, bà cắp nón rời khỏi nhà hàng xóm mà không nén được tiếng thở dài: “Tôi bảo nó về thì nó cứ bảo nó không có trình độ, không nghề nghiệp, nếu gắn bó với làng quê chỉ có thể đi làm thời vụ rồi tất tả lấy chồng ở cái tuổi 20 đã gọi là ế. Chỉ có đi thành phố làm Cty thì nó mới mong được đổi đời”.
Lê Tuyết