Việc tìm cho mình một nghề thích hợp và có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu về tay nghề hiện đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Thế nhưng, sau khi tìm được một nơi để học nghề và tốt nghiệp ra trường, liệu học viên đó có đáp ứng được yêu cầu của nơi làm việc hay không đang là một vấn đề mà các trường đào tạo nghề, các nhà tuyển dụng lao động cũng như các học viên rất băn khoăn.
* Lao động chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp
Được biết, hiện nhiều công ty ở Đồng Nai đang rất cần lao động có tay nghề, như: Công ty Robert Bosch Việt Nam (KCN Long Thành), Công ty may Scavi (KCN Biên Hòa 2)… Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn thì tình trạng công nhân kỹ thuật có tay nghề hiện đang thiếu. Việc đào tạo học viên các ngành nghề này tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng khi ra trường làm việc, học viên lại chưa thể tiếp cận, vận hành các loại máy móc, thiết bị tại các doanh nghiệp (DN) vì nó khác với các loại máy mà học viên học tại các trường nghề.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, giáo viên Trung tâm giới thiệu việc làm cho hay, việc đào tạo lao động cung ứng cho các DN theo yêu cầu hiện đang gặp khó khăn do các trang thiết bị cho học viên thực hành lạc hậu hơn so với máy móc của DN. Do vậy, việc liên kết đào tạo giữa các trường nghề và DN nếu được thực hiện tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng cho các học viên sau khi ra trường.
Bà Lương Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm đào tạo-cung ứng lao động kỹ thuật, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, do sự gắn kết giữa các DN và trường nghề chưa thống nhất và chặt chẽ để hiểu được nhu cầu của nhau nên xảy ra tình trạng, các trường cứ đào tạo nghề theo chương trình, còn DN thì tuyển dụng theo một hướng khác. Vì thế mới có hiện tượng, người lao động thì đi tìm việc, còn DN thì đăng tin tuyển dụng và các trường nghề cứ đào tạo học viên nhưng không bên nào đáp ứng được cho bên nào...
* Phối hợp trong đào tạo
Liên kết đào tạo giữa các trường nghề và DN sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho DN, các trường đào tạo và nhất là các học viên có cơ hội được trải nghiệm những công việc mà mình đã học ngay từ lúc chưa ra trường. Nhưng để thực hiện được điều này đòi hỏi các trường nghề phải có sự nỗ lực lớn trong quá trình đào tạo.
Thầy Phạm Hoài Bắc, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8 cho biết, những năm qua Ban giám hiệu nhà trường luôn đặt mục tiêu đào tạo gắn kết với các DN và xem đây là vấn đề trọng tâm, nhằm giúp các học viên có thể thực hành tốt ngay từ khi còn học tại trường. Theo đó, nhà trường luôn chủ động trong việc liên kết với DN cho học viên được vào thực tập, để có một môi trường thực hành sát với thực tế. Sau thời gian thực tập, đa số các học viên sẽ ở lại làm cho DN luôn.
Theo đánh giá của một số DN và trường nghề, thì ngành cơ khí đang là ngành thiếu nhiều lao động nhất. Thế nhưng, hiện chỉ có một số ít trường có khả năng cung cấp cho thị trường những công nhân cơ khí lành nghề. Hiện một số DN đang liên kết với các trường nghề để tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ tư liệu giáo dục và thiết bị cho các trường nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá trình đào tạo, tuy nhiên con số này chưa cao. Bên cạnh đó, mối quan hệ gần gũi giữa trường nghề với các DN sẽ giúp nhà trường nắm bắt được những yêu cầu thực tế của họ và chủ động cùng với DN tạo điều kiện cho học viên vào thực tập. Có như vậy, học viên mới có cơ hội được trải nghiệm qua những máy móc hiện đại, nhưng những việc này vẫn còn hạn chế.
Theo ông Võ Sơn Thu, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐTB-XH), để cung cấp cho thị trường những lao động lành nghề, các trường, cơ sở đào tạo nghề cần nắm sát nhu cầu lao động của DN, thành lập bộ phận quan hệ với DN, có thể mời chuyên gia có kinh nghiệm tại DN về trường dạy cũng như tham gia vào xây dựng đào tạo và đánh giá sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh đó, DN nên chủ động đưa ra những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực sát với chiến lược phát triển ở từng vị trí của đơn vị.