Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Hoài Đức (Hà Nội): Dạy những nghề dễ tìm việc làm

(Dân Việt) - Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã chọn dạy những nghề dễ xin việc như nấu ăn, tin học, trồng cây cảnh... để dạy cho người dân. Nhờ đó, nhiều người sau khi học nghề đã có việc làm ổn định.
Hoài Đức là huyện thuần nông, cách trung tâm thành phố khoảng 18km. Do thuộc vùng mở rộng vành đai thành phố, nên một diện tích lớn đất nông nghiệp đã phải “nhường chỗ” cho các khu công nghiệp, khu đô thị.

Một lớp học nghề trồng cây cảnh tại TTDN huyện Hoài Đức.  

Học xong là có việc làm
Đất nông nghiệp bị thu hẹp, đồng nghĩa với nhiều lao động phải chuyển nghề. Từ nhu cầu của người dân, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Hoài Đức đã tăng cường mở các lớp dạy nghề, trong đó đặc biệt chú trọng đến các nghề mới dễ xin việc như nấu ăn, tin học, trồng cây cảnh, cơ khí...

Ông Hoàng Đức Lực- Giám đốc TTDN huyện Hoài Đức cho hay, trung tâm có diện tích khoảng 4.000m2, với 18 phòng học, nhưng chỉ có 3 giáo viên biên chế, còn lại là hợp đồng hoặc thuê giáo viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào trung tâm cũng cố gắng phân chia lớp, thời gian học để dạy nghề cho khoảng 600 - 700 học viên.

“Từ đầu năm 2012 đến nay, trung tâm đã mở 1 lớp nấu ăn với 120 học viên tham gia và 2 lớp tin học, trồng cây cảnh, với 30 học viên/lớp. Hầu hết các học viên đều được hỗ trợ tiền đi lại (nếu ở xa), tiền ăn 15.000 đồng/buổi, trung bình 990.000 đồng/khóa. Sau khi học nghề, trung tâm sẽ giới thiệu học viên vào làm tại các nhà hàng, công ty, xí nghiệp, số còn lại tự mở quán ăn, hàng Internet...” - ông Lực cho biết.

Trong những nghề trung tâm đào tạo, nghề nấu ăn và cơ khí là có số lượng học viên qua các khóa đăng ký cao nhất. Theo ông Lực, nguyên nhân nghề này rất dễ xin việc, thu nhập khá cao: “Bây giờ các nhà hàng, quán ăn rất chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nên họ đòi hỏi đầu bếp cũng phải có trình độ, đã qua đào tạo. Còn nghề cơ khí thì ở xã Kim Chung có nghề làm két bạc với hàng chục xưởng, sau khi học nghề, học viên có thể xin vào các xưởng để làm”.

 Anh Nguyễn Văn Thành, hiện đang làm việc tại xưởng cơ khí Bá Chính ở thôn Đại Tự, xã Kim Chung chia sẻ: “Học nghề cơ khí hơi vất vả, nhưng không lo đầu ra. Sau khi học nghề, tôi xin được việc làm ngay. Hiện lương tôi khoảng 3 triệu đồng/tháng, thợ giỏi tới 5 triệu đồng/tháng”.  

Khó hoàn thành kế hoạch
Mặc dù rất nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng hiện TTDN huyện Hoài Đức đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, giáo viên... Theo kế hoạch, năm 2012 trung tâm phải đào tạo 700 học viên theo Đề án 1956. Tuy nhiên, tháng 8.2012 mới có chỉ tiêu, do đó trung tâm rất khó hoàn thành kế hoạch.  

“Chúng tôi phải “uốn nắn” từ khi học, nhiều khi phải “gò” cho học viên tập làm việc liên tục bên máy, có như vậy khi họ vào các công ty, xí nghiệp làm mới đáp ứng được yêu cầu...”.  
Ông Hoàng Đức Lực 

Ông Lực phân trần: “Thành phố triển khai các lớp đào tạo nghề theo Quyết định 1956 quá chậm, chỉ còn 5 tháng nữa là hết năm. Tính trung bình 3 tháng/khóa, mỗi khóa 120 - 150 học viên, cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ đào tạo được già nửa. Đó là chưa kể không tuyển sinh được học viên để mở lớp”.

Đây cũng là vấn đề mà hầu hết các trung tâm dạy nghề trên địa bàn Hà Nội đều gặp phải. Mặc dù đi học nghề người dân được rất nhiều ưu đãi, nhưng vẫn khó tuyển sinh, nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền học nghề cho người dân. Thậm chí có xã nhận chỉ tiêu dạy nghề, nhưng chậm thông báo, hoặc không thông báo đến người dân. Một phần vì ý thức, trình độ hạn chế, cộng với thói quen làm việc tự do, giờ chuyển sang làm việc theo hình thức công nghiệp nên nhiều người không quen được.

Việt Tùng 
http://danviet.vn

Tìm kiếm