Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Bảo hiểm việc làm: Liệu có chồng chéo?


KTĐT - Bộ LĐTB&XH và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Việc làm. Trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm chính là điểm mới gắn chặt với quyền lợi của lao động - “bảo hiểm việc làm”.

Biện pháp phòng chống thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm dành  chương VIII để quy định về bảo hiểm việc làm (BHVL) với mục đích nhằm hỗ trợ duy trì và phát triển việc làm; ngăn ngừa thất nghiệp; hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập và sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, điều này sẽ bảo đảm những quyền lợi mà người lao động (NLĐ) được hưởng. Việc hỗ trợ được thể hiện trong các trường hợp cụ thể như: Người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng BHXH bắt buộc; BHVL; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay. Trường hợp chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ; đào tạo lại cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác trong doanh nghiệp. 

Dự thảo Luật Việc làm cũng quan tâm đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHVL như, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ được tham gia BHVL, tức là được tham gia hưởng BHTN nếu họ mất việc làm. Như vậy, những quy định trong Luật Việc làm chính là "giá đỡ" cho lao động tự do, lao động phổ thông hiện nay. Nước ta vẫn còn khoảng hơn 30 triệu lao động chưa được điều chỉnh hoàn toàn trong Bộ Luật lao động. Do đó, sự ra đời của Luật Việc làm sẽ điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội và giải quyết những điểm còn mâu thuẫn của Bộ Luật lao động" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nhận xét.

Hình minh họa.
Rối vì nhiều loại bảo hiểm?

Đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều ý kiến lo ngại, nếu có thêm BHVL sẽ gây hiệu ứng không tốt cho NLĐ. TS Trần Thị Thúy Lâm (Đại học Luật Hà Nội) lo ngại: Liệu Luật này ra đời có khả năng thực thi hay không trong khi tình trạng nợ đọng bảo hiểm ngày càng gia tăng. Hơn nữa cùng một lúc phải đóng nhiều loại bảo hiểm, buộc người sử dụng lao động phải cắt giảm nhân công gây ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Vì thế nên cân nhắc, tính toán hợp lý nhất về việc đóng BHVL nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Để tạo ra sự đồng thuận giữa các loại bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng, việc nhất quán cho mỗi NLĐ một số thẻ thống nhất dưới dạng thẻ lao động là cần thiết. Nhưng không thể cứ mỗi lĩnh vực một lao động lại có những số thẻ khác nhau như: BHTN một số riêng, BHXH, BHYT lại một số mới, nếu thêm số thẻ bảo hiểm việc làm sẽ thêm rối thêm. Vì vậy nên gắn số thẻ cho lao động với số chứng minh nhân dân sẽ không thể trốn tránh, làm lậu hay trốn thuế được. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam đề nghị: BHTN đang bị người sử dụng và người lao động lợi dụng. Có trường hợp lấy bảo hiểm rồi quay lại làm việc ngay ở doanh nghiệp vừa bỏ. Do đó, BHTN nên đặt trọng tâm vào đào tạo và giới thiệu việc làm. Nếu trả trợ cấp xong, người lao động vẫn thất nghiệp thì không có giá trị. Cùng với đó, Luật cũng cần bao quát được hết cả 30 triệu lao động phi chính thức và đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết. 

Dự thảo Luật Việc làm gồm 11 chương và 132 điều, quy định về phát triển việc làm, thông tin thị trường lao động,…, dự kiến sẽ trình Quốc hội và thông qua trong năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Hà Bình

Tìm kiếm