Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) vốn là huyện thuần nông. Từ khi được
chọn làm điểm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề
cho lao động nông thôn, hàng chục làng nghề truyền thống ở nơi đây được vực
dậy; không chỉ giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân mà
còn hướng tới sản xuất lớn.
"Cứu cánh" lúc nông nhàn
Con đường tỉnh lộ qua xã Quảng Lợi nhộn nhịp hẳn lên từ khi HTX
sản xuất dịch vụ (SXDV) mây tre đan Thủy Lập được thành lập và đi vào hoạt
động. Trước đây, nghề mây tre đan ở Quảng Lợi từng nức tiếng một thời, thế nhưng
thời gian đã làm nghề mai một dần bởi sản phẩm bí đầu ra. Năm 2010, HTX SXDV
mây tre đan Thủy Lập ra đời với nguồn vốn ban đầu chỉ 12 triệu đồng cùng với
một số nguồn vốn nhỏ được huy động, vay mượn.
Ông Trần Lợi, Chủ nhiệm HTX nhớ lại: "Buổi đầu được giao
nhiệm vụ quản lý HTX, mình lo lắm. Thứ nhất, phải tìm nguồn vốn và đầu ra cho
sản phẩm; thứ hai, Quảng Lợi vốn là địa phương thuần nông, tay nghề của bà con
chưa cao, làm thế nào để HTX hoạt động hiệu quả... Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm
của cấp trên, chúng tôi đã tìm được hướng đi phù hợp cho HTX". Những đơn
đặt hàng đầu tiên là của các doanh nghiệp ở TP. Huế, Quảng Nam. Chỉ sau một
thời gian ngắn, HTX đã thu hút được 600 lao động nông nhàn, với thu nhập bình
quân 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Lợi cho biết, mặc dù thu nhập chưa cao
nhưng đây được xem là nguồn thu nhập quan trọng đối với nông dân.
Chị Nguyễn Thị Lành (40 tuổi, thôn Thủy Lập) phấn khởi khoe:
"Trước đây, gia đình tôi làm mấy sào lúa, thiếu trước hụt sau, lúc nông
nhàn chẳng biết làm gì. Từ khi HTX đi vào hoạt động, tôi luôn có việc làm, thu
nhập ổn định". Trong các lễ hội du lịch lớn của tỉnh, các sản phẩm thủ
công mỹ nghệ của bà con Thủy Lập cũng được mang ra trưng bày, giới thiệu. Những
nỗ lực của HTX cùng với việc nâng cao tay nghề của xã viên đã góp phần quan
trọng đưa sản phẩm của HTX tiếp cận thị trường.
Hướng ra thị trường
Từ kết quả của việc nhân cấy nghề ở Quảng Lợi, UBND tỉnh Thừa
Thiên- Huế đã chọn huyện Quảng Điền và Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Vang làm
điểm của tỉnh để dạy nghề cho lao động nông thôn. Mô hình đào tạo nghề gắn với
làng nghề truyền thống và vùng chuyên canh đã được triển khai ở xã Quảng Thành
(huyện Quảng Điền). Tận dụng lợi thế phù sa của sông Bồ, những năm qua, Quảng
Thành đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau, đậu. Ông Đào Ly, Bí thư Đảng ủy xã
cho biết: "Ban đầu, UBND huyện Quảng Điền phối hợp với Sở Khoa học và Công
nghệ chọn HTX Kim Thành xây dựng mô hình trồng rau sạch trên diện tích 1ha, với
25 hộ tham gia. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình trồng rau sạch trên địa bàn đã
nhân rộng lên gần 70ha với các loại rau như xà lách, cải bẹ, rau mùi, ngò tây,
mồng tơi, rau dền. Bên cạnh đó, Trường Trung cấp nghề Thừa Thiên - Huế phối hợp
với UBND xã Quảng Thành tổ chức mở 3 lớp tập huấn trong 3 tháng cho 120 học viên.
Qua lớp tập huấn, đa số nông dân đã tiếp thu được kiến thức chăm
sóc rau màu, từng bước nâng cao kỹ thuật canh tác. Ông Nguyễn Đình Toàn, người
trồng rau sạch ở làng Thành Trung (xã Quảng Thành) cho biết: "Đất đai ở
đây phì nhiêu, tơi xốp, nguồn nước dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển mô
hình trồng rau sạch, bình quân 1ha cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm".
Hiện, rau Quảng Thành đã có mặt ở hầu hết các chợ, siêu thị trong
và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Đình Định, chủ doanh nghiệp rau an toàn Hóa Châu phấn
khởi: "Trước đây, rau Quảng Thành tuy nổi tiếng nhưng bà con canh tác manh
mún, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình. Từ khi được đào tạo nghề, bà con tập
trung xây dựng vùng chuyên canh, rau an toàn Hóa Châu đã có mặt ở các siêu thị,
chợ lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh. Nhờ đầu ra ổn định, rau an toàn Hóa Châu đã
khẳng định được thương hiệu".
Phan Duy
Nguồn:
http://www.agroviet.gov.vn