Khi mâu thuẫn
trở nên căng thẳng, biện pháp cuối cùng mà chủ sử dụng lao động và người lao
động (NLĐ) bất đắc dĩ phải lựa chọn là kiện nhau ra Tòa án. Tuy nhiên, nếu thua
kiện, không có bất cứ chủ sử dụng lao động nào muốn nhận NLĐ trở lại làm việc
vì họ cho rằng, chỉ riêng việc NLĐ kiện mình tới Tòa án đã giống như “bát nước
đầy đổ đi”.
Ảnh minh họa.
|
“Thích” là sa thải
Khi
mà sự hiểu biết pháp luật ngày càng cao, cơ chế dân chủ ngày càng được bảo đảm
thì càng nhiều NLĐ đi “kiện” chủ sử dụng lao động. Thỏa thuận không được, NLĐ
kiện chủ sử dụng LĐ đến Tòa án.
Chị
Lê Minh N, Giám đốc Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Cty C, vốn là người thắng
kiện trong vụ án mà TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử năm 2008. Sau 3 năm
cống hiến tại công ty này với vai trò Giám đốc Văn phòng đại diện, chị N bất
ngờ bị sa thải.
Cho
rằng, quyết định này của Cty C là trái pháp luật, chị đã kiện công ty này ra TA
quận Hoàn Kiếm. TAND quận đã tuyên buộc Cty C, Văn phòng đại diện tại Hà Nội
phải nhận chị N. trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký và phải thanh toán hơn 43.000
USD tiền lương và phụ cấp trong những ngày chị N. bị mất việc; trả lương cho
chị từ ngày xử án đến khi nhận chị trở lại làm việc với mức lương 2.001
USD/tháng; truy đóng BHYT, BHXH từ khi sa thải đến khi nhận chị N. trở lại làm
việc.
Án
tuyên như vậy nhưng Cty C - Văn phòng đại diện tại Hà Nội không chịu thi hành
khiến cơ quan Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm phải cưỡng chế bằng hình thức
chiết khấu tài khoản. Nhưng biện pháp này chỉ giúp chị N. đòi được tiền, còn
các chế độ về BHXH, BHYT và việc bố trí lại công việc thì công ty này vẫn tìm
đủ lý do để từ chối.
Tương
tự như vụ của chị N, ông N.V. X làm việc cho Công ty S từ năm 1998. Năm 2004
ông X. được ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công việc Trưởng ban Kiểm soát.
Tuy nhiên, có lẽ vì lý do ông X luôn là người đấu tranh tích cực cho quyền lợi
NLĐ nên ông bị đưa vào “tầm ngắm” của nhà lãnh đạo vì bị sa thải cùng 10 nhân
viên dưới quyền sau đó ít lâu.
Bất
bình ông X đã nhờ Luật sư khởi kiện Công ty S. TAND Q.Tân Bình tại bản án số 05
tuyên buộc Cty S. phải nhận ông X trở lại làm việc, truy trả tiền lương và bồi
thường theo luật định (tổng cộng hơn 66 triệu đồng).
Tuy
nhiên, công ty này vẫn không chịu thi hành, không chịu nhận ông X trở lại làm
việc. Chỉ đến khi cơ quan THA chuẩn bị ra quyết định cưỡng chế, Cty S. mới miễn
cưỡng THA. Tuy nhiên, việc quay lại của ông X cũng chỉ là hình thức vì trong thời
gian ông theo kiện, vị trí Trưởng ban Kiểm soát của ông đã có người thay thế,
ông X cũng không được bố trí bất cứ công việc gì. Lại còn không được đóng cả
bảo BHXH. Bất đắc dĩ, ông X “xin” công ty cho ông nghỉ việc nhưng cũng không
được chấp nhận, ông X đành ở thế “đi chẳng đặng, ở chẳng đừng”.
Đã
ra Tòa… thì chẳng còn gì?
Giải
thích về việc vì sao chủ sử dụng LĐ, nhất là các DN không muốn nhận NLĐ trở lại
làm việc theo bản án đã tuyên của Tòa, một chấp hành viên giải thích, đó không
hẳn vì lý do phải trả lương hay đóng bảo hiểm và các quyền lơi khác. Họ cho
rằng khi NLĐ kiện đến Tòa án đã làm “mất mặt” họ trong giới làm ăn. “Bát nước
đầy” đã đổ đi thì không thể lấy lại được. Và do đó, hầu hết các DN này đều
không muốn nhận NLĐ đã kiện mình trở lại làm việc. Nhiều DN (như Cty S nói
trên) có nhận cũng chỉ là miễn cưỡng.
Cũng
phải nói rằng, cái khó của các DN khi nhận NLĐ trở lại làm việc đó là trong
thời gian họ đi kiện vị trí công việc cũ của họ đã có người thay thế, khi trở
lại nhiều NLĐ không bằng lòng với công việc mới, vị trí mới nên phát sinh nhiều
khiếu nại, tranh chấp.
Tuy
nhiên, đây không phải là lý do chính để trì hoãn hoặc né tránh THA, vì bản án
đã có hiệu lực thì mọi cơ quan, tổ chức đều phải chấp hành. Nếu người sử dụng
LĐ không chấp hành mà bị cưỡng chế thì uy tín của họ còn bị “tụt” gấp nhiều lần
so với việc họ thua kiện. Với những vụ việc này, bên cạnh việc vận động, giải
thích, cơ quan THA cũng cần phải mạnh tay trong áp dụng các biện pháp cưỡng chế
để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.
Có thể bị
truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án
Trường
hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo
bản án, quyết định thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người
sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao
động, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền
để người sử dụng lao động thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm
việc. Hết thời hạn đã ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì
Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
(Khoản 1 Điều
121 Luật Thi hành án dân sự)
|
Thu
Hằng