Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Hiệu quả từ mô hình dạy nghề tỉnh Quảng Nam


 

Dạy nghề lưu động là phương pháp được Trung tâm Dạy nghề thanh niên (TTDNTN) ứng dụng từ năm 2004 với nhiều mô hình được ứng dụng đã chứng minh hiệu quả của cách dạy nghề cho thanh niên nông thôn này.


 
Thị trường mở rộng

Với phương châm “Dạy những nghề thanh niên cần chứ không dạy những nghề trung tâm đang có”, trong suốt 11 năm qua, các giáo viên của TTDNTN đã đi khắp các địa phương trong tỉnh để truyền nghề. Từ năm 2006 đến năm 2010, trung tâm đã tổ chức thành công 105 khóa dạy nghề với 3.007 thanh niên được đào tạo, trong đó có gần 2.000 thanh niên tìm được việc làm và tự tạo việc làm bằng những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Hồ Quang Lĩnh, Giám đốc TTDNTN, cho biết: “Thanh niên nông thôn hiện chiếm 75% tổng số thanh niên toàn tỉnh, là nguồn nhân lực quan trọng nhưng lại thiếu điều kiện để học tập, nâng cao trình độ cũng như tiếp cận với các thông tin học nghề, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Vì vậy, mô hình dạy nghề lưu động đem lại hiệu quả thiết thực cho lao động nông thôn, giúp họ được đào tạo nghề bài bản, được định hướng nghề nghiệp để tìm việc hoặc tự tạo việc làm, giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm”.

Nơi đâu thanh niên cần nghề gì phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như có thể tạo được việc làm thì trung tâm sẽ dạy nghề đó cho thanh niên. Nếu nghề lao động cần mà trung tâm không có, thì trung tâm sẽ kết hợp với các hội, đoàn thể khác cùng dạy. Ông Lĩnh cho biết thêm, đầu năm 2012, trung tâm đã nhận không ít văn bản đề nghị hỗ trợ dạy nghề từ các địa phương. Nghề nuôi heo mọi thả rông, gà thả vườn, nhông cát đã được trung tâm triển khai tại huyện Đại Lộc rất thành công. Vì vậy, Huyện Đoàn Đại Lộc đã có văn bản đề nghị trung tâm tiếp tục dạy những nghề này cho thanh niên của huyện. Và có thêm nghề mới là trồng rau sạch, trồng hoa cây cảnh mà trung tâm thì không có giáo viên dạy nghề này. Vì vậy trung tâm phải nhờ đến Hội Làm vườn tỉnh giúp đỡ và nhận được sự hỗ trợ tối đa. Huyện Đoàn Nông Sơn hiện có 140 thanh niên đề nghị được học các nghề tin học, chăn nuôi thú y, mộc dân dụng, may công nghiệp... Xã Bình Sơn (Hiệp Đức) có đến 300 thanh niên cần học các nghề vi tính, trồng rau sạch, nuôi nhông cát, thỏ, bồ câu. Và trung tâm đã lên kế hoạch cụ thể để đáp ứng yêu cầu học nghề của lao động tại tất cả các địa phương.

Hiệu quả thiết thực

Tại vùng cao Trà Đông (Bắc Trà My), có một thanh niên tên Trịnh Quốc Lĩnh (sinh năm 1982) luôn nung nấu ý chí làm giàu từ chính mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Nhưng làm sao để làm giàu khi Lĩnh chưa tìm được hướng đi. Năm 2010, khi Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai tại Bắc Trà My, TTDNTN đến mở lớp dạy nghề nuôi nhông cát, nuôi kỳ nhông thì anh liền theo học. Lĩnh tâm sự: “Điều quan trọng nhất là phải tập hợp được những người trong độ tuổi lao động, dạy cho họ những nghề phù hợp với địa bàn miền núi và nhất là phải tạo cho họ niềm tin ở chính mình. Là người từng trải qua kinh nghiệm phong trào đoàn, xuất phát từ vai trò nhiệm vụ của mình mà tôi luôn phải quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để làm sao chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, có thể xóa được đói, giảm được nghèo và cơ hội đó đã đến với tôi qua các lớp học do TTDNTN dạy”. Được sự ủng hộ tối đa của chính quyền xã Trà Đông, Lĩnh đã bàn giao đất vườn nhà cho TTDNTN thí điểm mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm nuôi nhông cát, kỳ đà, heo mọi thả rông và gà thả vườn. Lĩnh là người được giao quản lý trực tiếp mô hình này. Ngoài sự hỗ trợ của trung tâm, Lĩnh còn tích cóp vốn liếng để nuôi thêm 200 con nhông cát. Quyết tâm của Lĩnh đã mang lại những kết quả ban đầu, mang lại niềm tin lớn cho anh: “Kết quả đạt được ban đầu tuy còn khiêm tốn nhưng thành công lớn nhất là tôi đã có được niềm tin, tạo được tiền lệ tốt trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi, vùng khó khăn. Tôi đã tìm được hướng đi đúng, tạo thêm việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn xã, góp phần xóa đói giảm nghèo tại Trà Đông”.

Rất nhiều thanh niên đã được học nghề từ mô hình dạy nghề lưu động của TTDNTN và tạo được nhiều mô hình sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho chính mình và lao động tại địa phương. Anh Đặng Công Tới (sinh năm 1972, xã Điện Ngọc, Điện Bàn) sau khi học nghề cơ khí đã vay tín chấp 95 triệu đồng, mở xưởng kỹ nghệ sắt, giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập mỗi công nhân 1,5 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, anh còn đầu tư trang trại chăn nuôi heo thịt với tổng kinh phí lên đến 1 tỷ đồng, sẽ giải quyết được thêm nhiều lao động nhàn rỗi. Hay anh Mông Văn Nghĩa (sinh năm 1980, Thạnh Mỹ, Nam Giang) sau khi học nghề trồng rừng, chăn nuôi, đã ứng dụng ngay trên đất nhà mình. Hiện anh Nghĩa đã đầu tư được 2 ao thả cá diện tích 19.000m2 , 5 sào lúa nước, 2ha thơm, 3ha cây xoan, 2ha cây xà cừ. Chừng ấy công việc khiến anh Nghĩa luôn bận rộn, và kết quả là mỗi năm anh thu nhập khoảng 50 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
Theo baoquangnam.com

Tìm kiếm