Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Dạy nghề cho người nghèo ở Phú Yên


Cùng với nhiều chính sách trợ giúp cho người nghèo, chính sách dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo ổn định thu nhập được tỉnh Phú Yên triển khai đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, trực tiếp tác động và làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo. Trong đó, đặc biệt là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đã mở ra cơ hội thoát nghèo của một bộ phận người dân.

Cầm tay chỉ việc:
Phú Yên hiện có hơn 13.000 lao động nông thôn thiếu việc làm, trong đó chưa kể có rất nhiều lao động nông thôn có nhu cầu chuyển đổi ngành từ nghề nông vào các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Do đó, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những vấn đề lớn hiện nay của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng.
 Người dân học kỹ thuật sản xuất chậu cảnh

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, năm 2011, toàn tỉnh đã mở 109 lớp đào tạo nghề gồm: hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, dán ốc nổi mỹ nghệ, sản xuất mây tre đan, kỹ thuật khai thác mủ cao su, sản xuất chậu cảnh bon sai… cho 2862 người tham gia, chủ yếu là lao động ở các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng xã hội. Theo đánh giá của các địa phương, hầu hết lao động nông thôn làm đúng với nghề được đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập cho nhiều hộ nghèo. Gần 30 người là hộ nghèo, ở xã Xuân Quang 3, Thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) đã tham gia học nghề sản xuất chậu cảnh, bon sai do Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp.
Chị Trịnh Thị Sen, 42 tuổi ở thôn Phước Nhuận (Xuân Quang 3), hớn hở khoe sản phẩm là một chậu cảnh được cả nhóm của chị làm và nói: “Hổm rày, tui học làm được chậu cảnh. Tui chỉ mong học nghề xong, kiếm được tiền để sinh sống”. Còn Mí Lung, ở buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cho biết: “Nhà Mí có bốn người nhưng cũng chỉ được vài sào ruộng mà lại nhờ nước trời nên quanh năm khô khốc, lúa làm ra chẳng được bao nhiêu nên suốt mấy năm qua cứ rơi vào cảnh đói nghèo. Khi được cử đi học lớp kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, Mí sắp xếp hết mọi công việc, nương rẫy tham gia ngay”.
Bắt đầu từ năm 2011, lao động nông thôn trong tỉnh thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/người/ngày; người học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại với mức không quá 200.000 đồng/người/khóa học.
Tham gia sản xuất lúa chất lượng cao

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp
Đề án đào tạo nghề cho lao động nghèo ở nông thôn được các địa phương đánh giá cao, coi đó là hướng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, có một số hạn chế, tồn tại như cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề còn nhiều khó khăn; các trung tâm chưa chủ động phối hợp các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nên kết quả đào tạo nghề gắn với việc làm chưa đạt mục tiêu.
Ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, Phó trưởng Ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn, cho biết: Qua nghiên cứu, khảo sát, với các hình thức dạy nghề thời gian trước, người nghèo không tiếp cận được các nghề vì nhiều lý do như quá tuổi đào tạo, không có điều kiện đi học xa nhà, không tham gia được vì là lao động chính trong gia đình… dẫn đến, mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo sẽ không thể thực hiện có hiệu quả và bền vững nếu người nghèo không được đào tạo nghề. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, dự án dạy nghề cho người nghèo đã trở thành một bộ phận của chương trình; với cách tiếp cận là tạo các cơ hội để người nghèo có thể tham gia các hình thức đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp thông qua các cơ sở đào tạo nghề, qua các doanh nghiệp để học nghề trực tiếp, để có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, vượt qua đói nghèo.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, tỉnh Phú Yên đã có hàng ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi, hàng ngàn lao động không còn đất sản xuất. Do đó việc chuyển đổi ngành nghề cho những lao động nông thôn là việc làm cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, Sở LĐ-TB-XH cũng như các trường, trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh phấn đấu tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả, gắn dạy nghề với phát triển các làng nghề và gắn với doanh nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nghề cho các trang trại và một số nghề phi nông nghiệp, dịch vụ xã hội đang có nhu cầu sử dụng.
Bài và ảnh: Kim Chi
Nguồn: qdnd.vn


Tìm kiếm