Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Làm gì để tự bảo vệ quyền lợi?

Ngày Quốc hội thông qua Luật Công đoàn sửa đổi - 20.6.2012), Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng cho rằng, phải cấp bách đưa luật đến từng đoàn viên, “hiểu luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình, cũng chính là góp phần xây dựng quan hệ hài hòa ổn định, tiến bộ”.
Hiện nay, có một số quyền lợi của công nhân lao động đang rất cần được quan tâm, bảo vệ. 

- Cuộc khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM kết luận do suất ăn từ 8.000 – 12.000 đồng hơn 6 năm không đổi đưa đến cứ 10 công nhân thì có 3 người suy dinh dưỡng, 20% thiếu máu, 70% thiếu iốt. Nhưng một tuần sau, báo chí phát hiện không phải chỉ vì tiền suất ăn 6 năm không đổi, điều quan trọng hơn là nhân viên doanh nghiệp và các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp thông đồng với nhau, khai gian giá thành suất cơm, để cùng chia lợi. 

- Sáu tháng đầu năm nay, 3.060 vụ tai nạn lao động, làm 3.160 người bị nạn, 279 người chết - tăng 2,2 % so với cùng kỳ năm ngoái, 671 người bị thương nặng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên do là người lao động bị ép làm tăng giờ, ăn uống kham khổ, quá mỏi mệt, thiết bị bảo hộ lao động không đầy đủ. 

 - Một vấn đề nổi cộm khác là tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tăng cao ở tất cả các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Biên Hòa - những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp. 

Xem xét 2 cuộc đình công lớn nhất năm nay: 8.000 công nhân ở Cty Sunjade (Thanh Hóa), 3.000 công nhân ở Cty Makalot (Hải Dương) sẽ thấy cả hai doanh nghiệp này đều vi phạm nghiêm trọng cả 3 vấn đề nói trên. Từ 2 vụ này, có thể rút ra những bài học để các công đoàn cơ sở giáo dục, tổ chức đoàn viên tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Luật Công đoàn quy định, tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tổng LĐLĐVN và BHXH VN đã ký kết quy chế phối hợp công việc, trong đó, công đoàn có trách nhiệm làm cho “người lao động hiểu biết để tự bảo vệ quyền lợi của mình; làm giảm nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội… Nêu tên các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội lên báo chí để cảnh cáo, răn đe…”. 

Về bảo hộ lao động, thông tư 14/ TTLT giữa Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐVN quy định công đoàn có trách nhiệm phát hiện, phân tích nguyên nhân, ngăn chặn tai nạn lao động… Để làm tốt các việc trên đây, tổ chức công đoàn phải huy động được tất cả đoàn viên tham gia hoạt động. Công đoàn cơ sở tổ chức và quản lý các mạng lưới hoạt động để thực hiện các “quyền, trách nhiệm của công đoàn” đến các công đoàn bộ phận và tận tổ công đoàn. Tổ công đoàn phân công tất cả đoàn viên theo dõi phát hiện những vấn đề về lao động sản xuất, đời sống, an toàn lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi người ốm đau… 

Một công đoàn cơ sở mạnh là khi huy động được tối đa trí tuệ, tai mắt của đoàn viên, phát hiện kịp thời mọi bất cập nảy sinh trong sản xuất và đời sống của doanh nghiệp. Nếu phần lớn công đoàn cơ sở được như vậy thì người lao động tự bảo vệ được quyền lợi của mình và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. 
Tống Văn Công 
http://laodong.com.vn

Tìm kiếm