Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

“Kình ngư” khuyết tật dạy nghề miễn phí cho trẻ nghèo


24 tuổi anh Diệu mới chập chững những bước đi đầu tiên. Với nghị lực phi thường, anh đã trở thành “ông vua” bơi lội của VĐV khuyết tật cả nước. Không những thế, anh còn mở doanh nghiệp tư nhân, giúp đỡ gần 20 lao động cùng cảnh ngộ.

Những người công tác trong ngành thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị gọi anh Trần Văn Diệu là”kho vàng” trên đường đua xanh của thể thao người khuyết tật tỉnh này. Nhìn vào bảng vàng thành tích mà anh đã gặt hái được trên các đấu trường quốc tế và trong nước thì mới thấy, danh hiệu này mọi người dành cho anh quả thực xứng đáng.

Lần đầu tham gia thi đấu giải thể thao dành cho người khuyết tật tỉnh năm 2003, anh đã giành 3 huy chương vàng ở cự ly 50m, 100m và 200m. Với thành tích đó, anh được gọi vào đội tỉnh thi đấu giải tiền Para Games và xuất sắc giành được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

Tại giải thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, “kình ngư” Trần Văn Diệu mang vinh quang về cho tổ quốc với 1 huy chương bạc, hai huy chương đồng. Đến nay sau gần 10 năm phấn đấu cho sự nghiệp bơi lội, anh Diệu đã có hơn 60 huy chương ở các đấu trường khác nhau. Trần Văn Diệu được vinh danh là công dân tiêu biểu của tỉnh trong nhiều năm liền.

Diệu kể, hồi nhỏ, những lần lết theo chúng bạn chăn trâu, Diệu thường bị các bạn nghịch bồng thả xuống kênh thủy lợi. Sau nhiều lần vùng vẫy để không bị đuối nước, anh tập bơi và biết bơi luôn.

Anh Trần Văn Diệu bên các huy chương bơi lội của mình (Ảnh Gia đình)

Hàng năm, anh vẫn đều đặn đi thi đấu giải giành cho người khuyết tật và gần như giải nào anh cũng mang vinh quang về cho tỉnh nhà.
Nghị lực của chàng trai liệt hai chân
Anh Trần Văn Diệu sinh năm 1979 ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, bị bại liệt từ nhỏ. Trần Văn Diệu sinh ra hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác nhưng bước ngoặt số phận bắt đầu kể từ khi anh tròn 1 tuổi. Năm ấy Diệu bị một trận ốm kéo dài và di chứng là đôi chân teo tóp suốt đời.
Tuổi thơ của Diệu trôi qua đầy ắp kỷ niệm buồn, là những chiều lê lết ra ngõ ngóng mẹ, là những ngày mưa nắng vẫn đều đặn đến trường trên lưng gầy của bố, mẹ và chị gái. 9 năm như vậy, Diệu đã vượt qua mặc cảm buồn để gieo niềm tin vào tương lai. Nhưng ước mơ trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin của anh không trở thành hiện thực được bởi gia đình quá nghèo.
Những ngày từ giã đèn sách là quãng thời gian buồn nhất của cuộc đời Diệu. Nhưng cảm giác ấy nhanh chóng tan biến khi anh đọc được trên một mảnh báo gói hàng mẹ mang về, có thông tin ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong mở lớp chạm khắc gỗ mỹ nghệ cho người khuyết tật. Diệu xin bố mẹ được đi học nghề và sẽ tự đứng trên đôi chân của mình. “Tròn 3 năm theo học nghề này, cũng chẳng muốn nhắc lại những khó khăn trong quãng thời gian ấy, nhưng ở độ tuổi 15 của tôi khi ấy quả thực quá sức tưởng tượng”, anh Diệu chia sẻ.
Không có tiền, Diệu tự lập bằng cách tìm đến những cơ sở chạm khắc mỹ nghệ xin làm thuê. Buổi tối anh nhận hàng về làm thêm.
Năm 2003 là năm bước ngoặt trong cuộc đời Diệu khi anh tự đứng được trên đôi chân của mình và tập đi những bước đầu tiên. Nói là đi lại nhưng kỳ thực anh vẫn phải nhờ sự trợ giúp của xe ba bánh và nạng gỗ, việc đi lại cũng không hề đơn giản. Cũng năm đó, bằng số tiền tích góp được, Diệu quyết định mở xưởng chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của riêng mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm của Diệu đã nhanh chóng được thị trường chấp nhận và nhiều được tìm về đặt hàng.

 "Kình ngư" dạy nghề miễn phí cho một người học việc (Ảnh báo Quảng Trị)

Cưu mang và dạy nghề miễn phí cho trẻ nghèo khuyết tật, mồ côi

Năm 2008, Diệu thành lập doanh nghiệp tư nhân Xuân Diệu. “Thực ra việc thành lập doanh nghiệp không phải là tâm huyết của bản thân mà do bạn hàng khi đến giao dịch muốn đối tác có con dấu, tài khoản riêng. Dịp này tôi cũng nhận thêm lao động nên đây cũng là chuyện giúp thêm những phận đời kém may mắn khác”, Diệu chia sẻ.

Diệu miễn phí toàn bộ chi phí, kể cả tiền ăn, ở và mở lớp dạy nghề cho những người tàn tật, con em gia đình nghèo, gia đình chính sách. Lớp đầu tiên, anh nhận truyền nghề cho 20 học viên. Diệu cho biết, các em đến với cơ sở của anh lúc ra đi đều đảm bảo có một cái nghề để mưu sinh.  Trong đó có em Cương ở Quảng Bình, anh đọc báo thấy hoàn cảnh thương quá đã ra tận nơi xin đưa về dạy nghề. Hay như hai đứa trẻ ở Sài Gòn lang thang, đói quá vào xin cơm, sau đó ngỏ ý xin làm việc không lương, anh đã nhận dạy nghề miễn phí. Rồi cậu bé Tâm ở thị trấn Hồ Xá bị câm điếc bẩm sinh, lúc nhận về anh cũng lăn tăn vì giao tiếp hạn chế. Nhưng giờ đây Tâm đã là một trong những thợ giỏi của cơ sở.

Đến nay, Diệu đã đào tạo cho 17 lao động là người khuyết tật với mức lương từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh gỗ thủ công của doanh nghiệp đạt 1 tỷ đồng/năm. Diệu cho biết sẽ tiếp tục nhận các em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật để giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.

Trần Văn Diệu cho hay, niềm hạnh phúc nhất với anh là tổ ấm hạnh phúc. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thông là một cô gái đẹp ở xã Gio Tuân, huyện Gio Linh. Họ đã có với nhau 3 đúa con khỏe mạnh, thông minh.

Những lúc không bận bịu với các giải đấu, anh lại trở về cơ sở gỗ mỹ nghệ, cũng là ngôi nàh nhỏ của anh để chăm chút cho hạnh phúc của mình và của những người kém may mắn, để thấy đời ấm hơn vì luôn có một vòng tay.
Ngun : nguoiduatin.vn

Tìm kiếm