Theo đánh giá của nhiều chuyên gia lao
động, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói là do người nghèo thiếu kiến thức,
tay nghề để có thể tham gia thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập cho
chính mình. Do đó, dạy nghề là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu
giảm nghèo bền vững.
Gắn với nhu cầu người học
Có nhiều hình thức đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực, như đào tạo nghề chính quy, dạy nghề cho nông dân…và mới đây là đề án đào
tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ giai đoạn 2009-2020 với kinh phí
lên tới gần 24 nghìn tỷ đồng. Thông qua các cơ sở đào tạo nghề, các doanh
nghiệp, người nghèo được học nghề trực tiếp, được truyền nghề, cấy nghề hoặc
học nghề tại chỗ. Tham gia những lớp học này, người nghèo không phải đóng học
phí và được hỗ trợ tiền ăn 15 nghìn đồng/người/ngày.
Chị Phạm Thị Tiện, thôn Đôi, xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) tâm
sự: “Mong muốn lớn nhất của người nghèo là thoát nghèo bền vững. Nguyên nhân
của đói nghèo là do không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp do
lao động, sản xuất không hiệu quả. Vì vậy, tôi nghĩ rằng dạy nghề cho người
nghèo là biện pháp hữu hiệu giúp người nghèo thoát nghèo. Tuy nhiên, việc tổ
chức các lớp dạy nghề cần gắn với nhu cầu của người học. Ví dụ, chúng tôi là
nông dân, nếu học nghề may, hay cơ khí rất khó xin việc vì trình độ thấp. Điều
chúng tôi cần là kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến, áp dụng vào đồng
ruộng cho năng suất cao…Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trong đó có người
nghèo, được xem là giải pháp thoát nghèo bền vững. Do vậy, cần tính đến hiệu
quả của công tác này, tránh dạy nghề cho người nghèo theo kiểu được chăng hay
chớ, học cho có nghề. Đã dạy nghề cho người nghèo thì phải dạy tới nơi tới
chốn, để họ sống được bằng nghề đã được đào tạo”.
Hình thức đào tạo nghề phù hợp
Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Thị Đài,
theo mức chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chiếm 8% với 40-50 nghìn
hộ nghèo và hàng trăm nghìn người nghèo. Do đó, công tác giảm nghèo gặp không
ít khó khăn. Tuy nhiên, việc thu hút người nghèo tham gia các lớp đào tạo không
dễ. Không ít người nghèo cho rằng đi làm thuê, buôn bán nhỏ mỗi ngày kiếm
30.000–40.000 đồng, trong khi đi học nghề mỗi ngày chỉ được trợ cấp 15.000
đồng! Có lớp không mở được do không chiêu sinh đủ 30 học viên/lớp theo quy định
hoặc trong quá trình học, số học viên giảm dần.
Theo bà Đài, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả và bền
vững, phải hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, thông qua đào tạo
nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho họ với các hình thức phù hợp. Mặt khác,
để thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề cho người nghèo, phải tìm được đầu
ra cho lao động nghèo sau khi được đào tạo. Do đó, các lớp dạy nghề cho người
nghèo căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, có chính
sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thu
hút lao động nghèo vào làm việc; hoặc khai thác, phát triển các ngành nghề tiểu
thủ công nghiệp có đầu ra ổn định, truyền nghề, cấy nghề cho lao động nghèo để
tổ chức tạo việc làm dưới dạng “vệ tinh” của doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề
cần xuất phát từ nhu cầu học nghề của lao động nghèo để có những hình thức đào
tạo nghề phù hợp và tìm kiếm các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp bảo đảm
điều kiện tạo việc làm cho lao động nghèo hoặc nhận lao động nghèo vào làm việc
sau khi được đào tạo.
Năm 2011, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở 91 lớp dạy nghề
cho 3.077 học viên, trong đó 39,9% nghề nông nghiệp, 60,1% nghề phi nông
nghiệp, 368 người nghèo được thụ hưởng từ đề án với mức kinh phí hỗ trợ gần
20% tổng mức kinh phí năm 2011; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt
80%.
|
(Theo Báo Hải Phòng)