Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một chủ trương lớn trong chiến lược
phát triển của Đảng và Nhà nước ta. Một trong những giải pháp điển hình là cấp
thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ và đầu tư xây dựng các trường dậy nghề đạt
tiêu chuẩn… Những động thái đó đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để
người lao động lựa chọn ngành học. Thế nhưng….
Khó của
trường nghề
Hiện nay,
trong xã hội ta tồn tại một hiện tượng khá phổ biến, nơi nào có thu
nhập cao thì người lao động tập trung đến. Điều đáng lo hơn là nhiều cá nhân
muốn thời gian học càng ngắn càng tốt, vì đi học ngắn đồng nghĩa với việc chi
phí sẽ bớt đi, người lao động nhanh chóng có thu nhập.
Nắm được tâm
lý này, nhiều doanh nghiệp tự đào tạo nhân lực, vì thế tay nghề của người lao
động không cơ bản. Hệ quả là người lao động luôn luôn phải phụ thuộc doanh
nghiệp, ít có cơ hội nâng cao trình độ và lựa chọn nơi làm việc có thu nhập và
điều kiện lao động tốt hơn. Đặc biệt, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao
động thất nghiệp, rất khó tìm lại được việc làm ưng ý.
Ngay như bộ
đội xuất ngũ, đối tượng được Nhà nước ưu đãi cấp thẻ học nghề, nhưng theo thống
kê của Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu), từ năm 2010 đến năm 2011, chỉ có khoảng
25% đến 30% trong tổng số bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ đã đến các trường và
trung tâm có chức năng đào tạo đối tượng này để học nghề.
Một nguyên
nhân khiến số người chọn học tại các trường nghề giảm là số lượng trường đại
học ngoài công lập, đại học tại chức ngày càng tăng, nhưng chất lượng tuyển đầu
vào không cao đã phần nào “chắp cánh” cho tâm lý “có bằng đại học bằng mọi giá”
của không ít phụ huynh học sinh bay cao.
Thực tế này
khiến cho việc chiêu sinh của các trường dạy nghề gặp không ít khó khăn. Để tồn
tại, các trường đã tung ra nhiều ưu đãi thu hút người học. Điều này vô hình đã
tạo ra cuộc cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó không
loại trừ có cả những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, gây niềm tin ảo cho
người lao động.
Hút học viên
bằng chữ tín
Trước thực tế
này, nhiều trường nghề trong cả nước đã mạnh dạn đầu tư sâu thiết bị và mô hình
dạy học; chủ động đào tạo nâng cao trình độ giáo viên; có nhiều chính sách ưu
đãi người học, dần tạo được chữ tín trong “làng” các trường nghề. Điển hình là
Trường Trung cấp nghề số 18 (TCN số 18) của Tổng cục Hậu cần (TCHC) đóng tại
(Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội).
Hiện nay,
Trường TCN số 18 có 10 loại hình đào tạo trung cấp (có 2 loại hình trung cấp
vừa được đưa vào đào tạo đầu năm 2012). Không chỉ ưu tiên dạy nghề cho bộ đội
xuất ngũ mà còn ưu tiên với các đối tượng khác.
Trung tá Trần
Quốc Uy, Trưởng phòng đào tạo, Trường TCN số 18 cho biết, có một số nghề học
viên theo học đông, như: sơ cấp lái xe ô tô hạng C, sơ cấp vận hành máy công trình,
sơ cấp tin học, trung cấp công nghệ ô tô, trung cấp kế toán, quản trị doanh
nghiệp... Vì lương trung bình của người lao động có thể đạt từ 5 đến 7 triệu
đồng/tháng. Trường không đủ học viên cung cấp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên,
việc tuyển dụng các ngành khác gặp nhiều khó khăn hơn, vì nhu cầu người học ít
và rất phân tán.
Tại phòng
thực hành sửa chữa điện, điện lạnh của Trường TCN số 18, học viên Nguyễn Quốc
Trung, nguyên là chiến sĩ Quân đoàn 2, quê Gia Lâm, Hà Nội, xuất ngũ cuối năm
2011 nói rằng, sau khi về địa phương, Trung đã tham khảo một số nơi dạy nghề và
chọn học tại đây. Trường TCN số 18 có nhiều ưu đãi hơn so với các trường khác.
Tại đây học viên được hỗ trợ nhà ở (chỉ trả tiền điện, nước sinh hoạt) và được
hỗ trợ ăn với giá ưu đãi. Ngoài thời gian học, được đến thư viện nghiên cứu,
hoặc luyện tập thể lực theo các môn ưa thích.
Ở phòng thực
hành may, nơi có 60 máy may công nghiệp hiện đại phục vụ thực hành, học viên
Trịnh Thị Thu Hồng, quê Nam Định cho biết, nếu không có chứng chỉ nghề thì thu
nhập tại các doanh nghiệp may của người lao động chỉ đạt khoảng 2 triệu đến 2,5
triệu đồng/người/tháng. Có chứng chỉ nghề, thu nhập có thể đạt trung bình từ 3
triệu đến 3,5 triệu đồng. Tay nghề vững, có thể được gia công các mặt hàng cao
cấp, thu nhập tăng lên.
Ngoài các yếu
tố trên, Nguyễn Bích Nhung, học viên cùng lớp với Hồng còn có một lý do khác
khi theo học tại trường. Theo Nhung, chất lượng dạy học của các thầy ở đây rất
tốt, là yếu tố quyết định để học sinh theo học. Hơn nữa, được ở trong khu dành
cho học viên nữ, Nhung và các học viên khác không phải lo nhiều về vấn đề an
ninh và tệ nạn xã hội.
Để thu hút
học viên như hiện nay, Trường TCN số 18 đã chủ động gửi đào tạo giáo viên và có
chính sách mời gọi nhân tài về giảng dạy. Đại tá Vũ Kiên, hiệu trưởng Nhà
trường cho biết, đến nay trường có trên 70% giáo viên đạt trình độ đại học và
trên đại học. Trước mỗi dịp bộ đội xuất ngũ, Nhà trường cử các cán bộ đến tư
vấn dạy nghề tại các đơn vị khu vực phía Bắc. Năm 2011, doanh thu Nhà trường
đạt hơn 14 tỉ đồng, lợi nhuận đạt trên 653 triệu đồng. Năm 2012, Nhà trường
tiếp tục đầu tư phòng học thực hành đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Sẽ tạo điều kiện
cho học viên là bộ đội xuất ngũ được vay vốn học bổ túc trung học và kinh phí
học trung cấp.
Cùng với các
ưu đãi đặc biệt dành cho các đối tượng học viên, Nhà trường còn chủ động liên
kết với các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội, tư vấn việc làm miễn phí, mời
đại diện doanh nghiệp tham gia chấm thi tốt nghiệp... Hiện nay Nhà trường đã mở
trung tâm sản xuất thực hành, tăng thời gian thực hành của các lớp trung cấp
lên 30% so với quy định.
Theo thống kê
mà đồng chí Trần Quốc Uy, Trưởng phòng đào tạo cung cấp, chỉ trong quý 1 năm
2012, có 195 học viên thuộc 7 nhóm ngành đào tạo đã tốt nghiệp (đạt tỉ lệ
98,9%), trong đó tốt nghiệp đạt khá, giỏi đạt tỉ lệ trên 59,84%. Sau tốt
nghiệp, đa phần các học viên được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp liên
kết, thu nhập bình quân đạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay có khoảng
trên 80% học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm và cho thu nhập ổn định.
Nhà trường đã
mở xưởng sản xuất cơ khí, gồm các nghề tiện, phay, bào, hàn hồ quang và xưởng
may. Trong giờ thực hành, nếu kiến thức vững, các học viên được trực tiếp làm
ra các sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Đồng chí Phạm
Văn Tuân, Giám đốc trung tâm thực hành sản xuất Nhà trường cho biết, khi thực
hành, các học viên được hướng dẫn làm các sản phẩm giống như sản xuất tại doanh
nghiệp. Hiện, lãi từ trung tâm thu được ước đạt trên 80 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế
cách làm ở Trường TCN số 18, TCHC cho thấy, nếu mục tiêu đào tạo mang lại lợi
ích thiết thực cho người lao động thì chắc chắn sẽ nâng cao được chất lượng
nguồn nhân lực, cung cấp cho các doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời sự nghiệp CNH,
HĐH hiện nay. Qua đây chúng tôi khuyến cáo người lao động, đừng “bán lúa non”,
chạy theo lợi ích trước mắt mà bỏ qua khâu đào tạo. Trước khi có ý định học
nghề cần nghiên cứu, lựa chọn nơi đào tạo có uy tín, giảm tối thiểu các bất
lợi, có như vậy mới đảm bảo chắc chắn có được cơ sở vững chắc để ổn định cuộc
sống từ nghề nghiệp đem lại.
Nguồn: http://www.baomoi.com