Theo
Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, hiện thành phố có 65 ngành nghề tiểu thủ
công nghiệp, rất đa dạng về qui mô và lĩnh vực, như: ngành chế biến, bảo quản
nông, lâm, thuỷ sản (bánh tráng, bún tươi, giò chả, nem…); sản xuất vật liệu
xây dựng, đồ gỗ, mây đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ
nghệ, trồng hoa kiểng, nuôi cá cảnh…
Theo
đó việc phát triển ngành nghề nông
thôn của TP.HCM gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình
chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP theo hướng nông nghiệp đô thị.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo
nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM
có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động sống ở khu vực nông thôn, trong đó
có các làng nghề truyền thống. Do vậy tiềm năng
từ nguồn nhân lực này là rất lớn đồng thời đòi hỏi một định hướng đúng đắn cho
công tác đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn TP. Nhưng có một thực tế
trong lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay là trình độ văn hóa, tay nghề còn
thấp. Theo điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn TP tại các làng nghề
TP.HCM, gần 40% chủ hộ sản xuất có trình độ học vấn cấp 1, khoảng 70% chủ hộ
sản xuất tại làng nghề chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý
trong khi nhóm có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 3%.
Theo đánh giá của Sở LĐTB-XH TP.HCM thì việc dạy nghề cho lao động
nông thôn hiện nay còn rất khiêm tốn. Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn
mới, chỉ có gần 12.000 lao động nông thôn được dạy nghề là một con số thấp,
trong khi số tiền ngân sách TP.HCM đầu tư cho công tác dạy nghề lao động nông
thôn khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Trước
thực tế đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn quá hạn chế này, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đến
năm 2020 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt trung tuần tháng 7/2012 đặt ra mục tiêu
từ nay đến năm 2020 bình quân mỗi năm thành phố cần đào tạo khoảng 28.000 lao
động lĩnh vực phi nông nghiệp. Cũng theo mục tiêu của đề án trên đến năm 2015, tỷ lệ 70% và đến năm 2020,
tỷ lệ 90% lao động nông nghiệp và ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó tối thiểu có 40% lao động nữ được đào tạo
nghề; trong số lao động nữ được đào tạo nghề có tối thiểu 40% lao động nữ dưới
45 tuổi, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 80% lao động được đào tạo
nghề. Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ Ngân sách TP dự kiến trên 70 tỷ
đồng. UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở ngành, các huyện liên quan, các cơ
quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn TP để triển khai
thực hiện.
Ngoài các nghề như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ truyền
thống…, Đề án còn đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp theo hai hình thức đào
tạo tập trung và vừa làm vừa học. Người học sẽ được hỗ trợ 2- 3 triệu
đồng/người/khóa tùy theo nhóm đối tượng. Riêng người hưởng chính sách ưu đãi,
người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người
bị thu hồi đất canh tác… được hỗ trợ thêm tiền ăn 15.000 đ/ngày thực học và
tiền đi lại không quá 200.000 đ/khóa nếu ở xa nơi học từ 15 km trở lên. Hiện thành phố
có 20 trường và trung tâm tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong
đó có 5 trung tâm dạy nghề và 2 trường trung cấp nghề trên địa bàn là đơn vị
chủ lực trong việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.
Đề án đuợc thực hiện là một tín hiệu vui cho công
tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là cho đối tượng
phụ nữ và thanh niên trên địa bàn TP. Tuy nhiên, để Đề án này được thực hiện
thành công hay không, đòi hỏi có sự quan tâm sâu sát của các cấp chính chính
quyền, ban ngành, cơ sở và đặc biệt là ý thức, nỗ lực học tập, quyết tâm thay
đổi cuộc sống của bà con nông dân./.
Phương
Mai - http://www.ven.vn