Trao đổi với ông
Phạm Hùng – phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) về việc triển khai
dạy nghề nông nghiệp.
Ông Phạm Hùng
|
Để làm rõ một số vướng mắc các
địa phương gặp phải trong quá trình triển khai dạy nghề nông nghiệp
cho LĐNT sau Thông báo 230 của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện
Nhân, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hùng, Phó Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT)- cơ quan chỉ đạo, triển khai thực hiện đào
tạo nghề nông nghiệp.
LINH HOẠT TỶ LỆ DẠY NGHỀ
Từ khi có thông báo của Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm dạy nghề nông
nghiệp cho LĐNT, nhiều địa phương vẫn có sự trì trệ trong triển khai. Đây
có phải là biểu hiện của việc "trên nóng dưới lạnh" không,
thưa ông?
Sau khi làm việc với một số tỉnh, đúng là
chúng tôi có nhận thấy nhiều địa phương gặp lúng túng trong quá trình
triển khai. Nguyên nhân, do đây là năm đầu tiên các Sở NN-PTNT được UBND tỉnh
chính thức giao nhiệm vụ thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho nhóm đối tượng là
nông dân nên cần tìm hiểu nhu cầu đào tạo cho ngành nông nghiệp, tổng hợp kế
hoạch... do vậy nên cần thời gian và con người.
Từ nay đến cuối năm, Vụ TCCB đã lên kế hoạch và đến
trực tiếp một số địa phương để nắm bắt những khó khăn, bất cập họ đang gặp
phải trong khi triển khai việc đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT để tìm cách
tháo gỡ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đi đến nhiều tỉnh hơn nữa để nhằm hâm nóng
công tác dạy nghề, quyết không để xảy ra tình trạng “nóng TƯ, lạnh địa
phương”.
Thực tế cho thấy, nhiều nơi 90% người dân làm
nông nghiệp nhưng kinh phí dạy nghề vẫn được phân theo tỷ lệ 70% phi nông
nghiệp, 30% nông nghiệp, dẫn đến bà con học xong không thể kiếm sống từ nghề
vừa học.
Đúng là trong Đề án 1956 đưa ra con số mỗi năm đào
tạo khoảng 600.000 lao động phi nông nghiệp và 300.000 lao động nông nghiệp.
Đây là chỉ tiêu được liên Bộ NN-PTNT, LĐ-TB&XH bàn bạc khá nhiều lần, dựa
theo nhu cầu học nghề của từng địa phương. Đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu
lao động theo định hướng phát triển kinh tế xã hội từng nơi có sự khác nhau,
trong thông báo số 964 gần đây nhất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Sở NN-PTNT các
tỉnh cần có kế hoạch, kinh phí dạy nghề nông nghiệp gửi Sở LĐ-TB&XH để
từ đó có sự cân đối, tổng hợp phù hợp với nhu cầu thực tế của từng
vùng.
Như vậy, có nghĩa việc đào tạo nghề
nông nghiệp và phi nông nghiệp không nhất thiết phải theo tỷ lệ 1:2,
thưa ông?
Đúng vậy! Bởi nhu cầu giữa các địa phương là khác
nhau. Có thể, tỷ lệ phi nông nghiệp/nông nghiệp là 2:1, 1:2 , thậm chí chênh
nhiều hơn nữa. Như tại Thái Nguyên, nhu cầu học nghề nông nghiệp rất lớn trong
khi phi nông nghiệp rất nhỏ. Chúng ta không nên cứng nhắc về tỷ lệ nhằm tránh
sự lãng phí, bà con học nghề xong không có công ăn việc làm hoặc không áp dụng
được vào thực tế.
Bên cạnh đó, bản thân các cơ sở đào tạo cũng phải
chủ động có đề xuất nghề nào là hợp lý, cần thiết cho bà con khi kết thúc
khóa học. Chúng tôi cũng đang trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thông tư hướng dẫn thực
hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT. Trong đó, quy định về điều kiện đăng ký
hoạt động dạy nghề, trong đó yêu cầu những cơ sở có chức năng đào tạo nghề nông
nghiệp phải gắn với đầu ra, gắn với DN.
ĐA DẠNG NGHỀ NÔNG NGHIỆP
Ngành nông nghiệp hiện có đội ngũ cán bộ
kỹ thuật khá hùng hậu nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị lại rất hạn chế,
liệu điều này có ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề nông nghiệp?
Tại văn bản số 1105 ngày 18/4, Bộ NN-PTNT yêu cầu Sở
NN-PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông cùng hệ
thống khuyến nông phối hợp với các cơ sở dạy nghề thuộc ngành và các tổ chức có
liên quan tích cực chủ động tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT.
Hệ thống khuyến nông là đội ngũ cán bộ có trình
độ trải khắp các tỉnh, huyện xuống tận xã, thôn có vai trò rất lớn trong
đào tạo nghề cho LĐNT; nhất là khi những trung tâm này phối hợp với các trường,
viện trực thuộc Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, không phải trung tâm khuyến nông, cơ
sở dạy nghề nào cũng được tham gia đào tạo nghề, bởi phải đáp ứng đủ các tiêu
chí từ cơ sơ vật chất, đội ngũ giảng dạy.
Chúng tôi quán triệt việc tổ chức đào tạo phải
linh hoạt, không được dạy tại các cơ sở dạy nghề mà phải dạy tại thôn, bản và
dạy theo chu kỳ sinh trưởng của cây, con gắn với thực hành nông nghiệp tốt
(VietGAP). Bà con phải được học từ khi cây giống chỉ là dạng hạt, rồi sinh
trưởng phát triển đến thu hoạch. Còn về thời gian học, không nhất thiết phải
học cả tuần, cả tháng liên tục mà chỉ cần 1-2 ngày/tuần, sau đó bà con cũng sẽ
được thực hành ngay tại ruộng của mình rồi có thể đối chứng (so sánh) với ruộng
khác ngay cạnh đó.
Được biết, Bộ NN-PTNT đã xây dựng danh
mục 71 nghề nông nghiệp nhưng nhiều địa phương cho rằng còn thiếu. Sắp tới,
Bộ NN-PTNT có bổ sung thêm nghề nông nghiệp không?
Ngay từ đầu nghiên cứu danh mục nghề, chúng tôi đã
chỉ đạo việc đào tạo nghề cho bà con nông dân phải thật cụ thể, không đào tạo
"nghề hàn lâm", các nghề được đào tạo là các nghề mà nông dân có nhu
cầu. Chúng tôi đã gửi sang Bộ LĐ-TB&XH danh mục gồm hơn 200 nghề nông
nghiệp, đợt tới trong quá trình triển khai sẽ có đề xuất bổ sung thêm vào danh
mục.
Hiện Bộ NN-PTNT đã ban hành 71 chương trình, giáo
trình đào tạo nghề nông cho bà con nông dân. Năm 2012 và các năm tiếp theo
chúng tôi sẽ tiếp tục ban hành các chương trình và giáo trình đào tạo. Tuy
nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo cho các cơ sở dạy nghề không cứng nhắc thực
hiện theo các "modun" nghề này mà có thể lựa chọn modun phù hợp với
điều kiện địa phương, phù hợp điều kiện tập quán canh tác.
Những modun nghề này rất ít chữ, chủ yếu là hình ảnh
để bà con dễ đọc, dễ hiểu và dễ áp dụng. Tùy vào địa phương, tùy theo nhu cầu
của LĐNT, tập quán canh tác và sự phát triển của cây, con mà các cơ sở dạy nghề
nông nghiệp lựa chọn modun phù hợp với thời gian đào tạo.
Qua hơn 1 năm triển khai dạy
nghề nông nghiệp, quá trình đi thực tế ông thấy vấn đề cần phải tập
trung trong thời gian tới?
Đó chính là sự vào cuộc của các địa phương. Tuy
nhiên có rất nhiều văn bản chỉ đạo từ phía Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN-PTNT nhưng
nhiều địa phương chưa nghiên cứu kỹ để có cách hiểu thống nhất, nên thấy khó
trong quá trình triển khai. Về phía các Sở NN-PTNT cần chủ động hơn nữa, phối
hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH để nhanh chóng tiếp cận cách xây dựng kế hoạch
đào tạo, xây dựng định mức, dự toán kinh phí cho từng nghề nông nghiệp, cách
thức tổ chức đào tạo, quy trình đào tạo...
Còn về kinh phí cho đào tạo, theo Thông tư 112,
chúng ta đừng lo phải "tiêu hết tiền" trong năm 2012 bởi kinh phí
đó vẫn có thể chuyển giao sang các năm sau. Quan trọng là phải đảm bảo cho
bà con học nghề có hiệu quả, thực hành được ngay trên đồng ruộng của mình,
tăng thu nhập, cải thiện được đời sống của mình.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn:
http://nongnghiep.vn