Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Thị trường thiết bị bảo hộ lao động: Mập mờ nguồn gốc, chất lượng


(Dân Việt) - Hiện nay, thị trường bày bán tràn lan các thiết bị bảo hộ lao động trong nhiều lĩnh vực nhưng không được kiểm định khiến người lao động có nguy cơ “tiền mất, tật mang”.

Bảo hộ… thiếu an toàn

Khảo sát của PV tại một số cửa hàng có bán thiết bị bảo hộ lao động như đường Lê Duẩn, Yết Kiêu (Hà Nội), cho thấy, thị trường thiết bị bảo hộ lao động rất nhiều nhưng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm còn rất mập mờ. Đa phần đều là những thiết bị bảo hộ trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Trong khi đó, nhiều loại bảo hộ lao động chuyên dùng trong lĩnh vực nông nghiệp như: Giày, găng tay, mặt nạ chống độc hóa chất,… thì hầu như là không có.

Người lao động còn thiếu thiết bị bảo hộ.

Chị Nguyễn Thị Minh (Thanh Oai, Hà Nội) phàn nàn: “Việc đồng áng, vườn tược khiến tôi thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu. Nhiều lúc cũng sợ bị ảnh hưởng hóa chất độc nên đi mua đồ bảo hộ nhưng chỉ mua hú họa, chẳng biết cái nào tốt, xấu”. Do không có đồ chuyên dụng nên chị chỉ mua được găng tay y tế và ủng cao su dành trong xây dựng, khẩu trang vải. Giá thành của các loại găng, ủng, khẩu trang này khá rẻ, nhưng thường thủng, mòn nên thuốc vẫn ăn tay, chân bị nấm vì ngâm nước bẩn. Chị Minh vẫn thường xuyên chóng mặt vì hít phải thuốc trừ sâu. Chồng chị làm nghề thợ xây, cũng mua mũ bảo hộ để đội nhưng có lần đã suýt mất mạng vì mảnh gạch rơi vỡ cả mũ.

Ông Triệu Quốc Lộc – Giám đốc Trung tâm Khoa học và An toàn lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Do làm chưa tốt công tác thanh tra, xử lý nên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm bảo hộ lao động trôi nổi, kém chất lượng. Hơn nữa, không ít doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này đã tiết kiệm chi phí bằng cách ăn bớt nguyên vật liệu, làm gian dối, nên sản phẩm rẻ nhưng lại thiếu an toàn”.

Thiếu đầu tư

Anh Nguyễn Văn Nam - một chủ đại lý kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động ở huyện Thanh Oai cho biết: “Mặt hàng bảo hộ lao động rất đa dạng, chủ yếu vẫn là thiết bị được nhập về từ Trung Quốc, hàng sản xuất Việt Nam rất ít. Đa phần là các sản phẩm dành cho ngành công nghiệp, xây dựng. Riêng các mặt hàng về bảo hộ lao động trong nông nghiệp thì rất hiếm. Một số loại như găng tay, ủng, hay mặt nạ chống độc có thì đại lý cũng nhập rất ít vì không có mấy người mua”.

“Theo nghiên cứu tháng 4.2011 của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 90% số thiết bị bảo hộ lao động chưa an toàn. Các thiết bị chuyên dụng như tai nghe chống ồn, mặt nạ phòng độc, mũ chống vật lạ... càng phập phù chất lượng”.

Theo ông Lộc, hiện nay, đa phần các thiết bị bảo hộ lao động có bán trên thị trường dùng cho công nghiệp và dịch vụ. Vì lao động trong nông nghiệp chủ yếu là lao động phi kết cấu nên, chưa chịu sự tác động của Luật Lao động chính vì thế việc quản lý, thống kê tai nạn lao động, hay trang bị an toàn lao động còn nhiều hạn chế. Đa phần là do ý thức tự giác của người lao động, chứ không được quy củ như các lĩnh vực trong công nghiệp hay xây dựng. Bà con lại lao động theo nếp cũ, tài chính hạn hẹp nên không chú trọng bảo hộ cho mình. Tuy nhiên, nếu có tiền, người dân cũng không thể tìm mua được thiết bị bảo hộ chuyên dụng cho nông dân.

Theo ông Lộc thời gian tới ngoài việc đưa Luật Lao động sửa đổi vào cuộc sống, thì các cơ quan chức năng, Nhà nước cũng cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị bảo hộ lao động. Bên cạnh đấy cũng cần hỗ trợ, trang bị thiết bị bảo hộ cho các nhóm lao động yếu thế như nông dân, ngư dân… để giúp họ yên tâm lao động.

Minh Nguyệt

Tìm kiếm