Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Trung tâm Dạy nghề Lục Yên: Điểm tựa của lao động nông thôn


Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như con người nhưng những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là địa chỉ tin cậy cho lao động nông thôn (LĐNT) trong quá trình học nghề, lập nghiệp.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như con người nhưng những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là địa chỉ tin cậy cho lao động nông thôn (LĐNT) trong quá trình học nghề, lập nghiệp.

Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên được thành lập năm 2005. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo, giới thiệu việc làm cho LĐ trên địa bàn; tích cực phối hợp với các xã, thị trấn, đoàn thể, các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh để xây dựng giáo trình phù hợp với ngành nghề đào tạo; ký hợp đồng giảng dạy với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm; mở các lớp học tại cơ sở để tạo thuận lợi cho học sinh, chuẩn bị đầy đủ vật tư thực hành và khai thác các trang thiết bị phục vụ tốt cho việc dạy và học; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách hỗ trợ cho học viên theo đúng quy định của Nhà nước…

Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã mở được 156 lớp cho trên 4.400 LĐ ở 4 trình độ, bao gồm dạy nghề dưới 3 tháng, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi thú y, trồng trọt, sửa chữa xe máy, điện dân dụng. Tỷ lệ học sinh có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80%, đặc biệt là nghề xây dựng, tỷ lệ có việc làm đạt 100% với thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/người/tháng, bởi đây là ngành nghề không đòi hỏi yêu cầu trình độ cao, phù hợp với đội ngũ thanh niên ở nông thôn, thời gian đào tạo ngắn, học viên có thể vừa học vừa làm, sau khi kết thúc khóa học được trung tâm giới thiệu đi làm việc tại các công trình xây dựng hoặc có thể tự tìm việc.

Ngoài ra, với đà phát triển của nghề chạm khắc đá trên địa bàn Yên Bái như hiện nay, không ít LĐNT cũng mạnh dạn tham gia đi học để vào làm việc tại những làng chạm khắc đá như Tân Lĩnh, Liễu Đô...

Đối với LĐ nữ, Trung tâm chủ động đào tạo chuyên sâu nghề làm tranh đá quý, góp phần tạo thêm việc làm và đem lại thu nhập cho chị em. Chị Vương Thị Hằng ở xã Minh Xuân chia sẻ: “Sau khi học tại Trung tâm Dạy nghề huyện, tôi được nhận vào làm việc tại cơ sở chế tác tranh đá quý Hồng Ngọc, đến nay cũng được mấy năm rồi, công việc không vất vả nhưng thu nhập khá ổn định”.

Thông qua các chương trình dạy nghề của Trung tâm, đời sống của người nghèo ngày càng được nâng cao, đặc biệt là nhiều LĐ quá tuổi vẫn có cơ hội được học nghề và tìm việc làm tại chỗ, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Ông Lưu Mạnh Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trong công tác tuyển sinh và tư vấn học nghề, Trung tâm đã xuống tận các thôn, khu dân cư để tư vấn về những nghề mà thị trường đang có nhu cầu cũng như độ tuổi của người LĐ cho phù hợp, cụ thể là, đối với LĐ trẻ thì hướng nghiệp học những ngành nghề phi nông nghiệp để vào làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đối với LĐ lớn tuổi thì hướng cho họ học nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt…, vừa phù hợp với trình độ nhận thức, vừa góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người LĐ”. 

Song song với công tác đào tạo nghề, Trung tâm còn chú trọng tới công tác giới thiệu việc làm cho LĐ sau đào tạo, phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Yên Bái thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về “LĐ việc làm - xóa đói giảm nghèo”. Đặc biệt, nhờ việc đào tạo nghề tại Trung tâm mà 6 năm qua, toàn huyện đã có 586 người được đưa đi làm việc trong nước; 35 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khắc Điệp
http://www.agroviet.gov.vn

Tìm kiếm