Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Hiệu quả từ việc thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Lâm Đồng


Sau gần 2 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, đã có 111/118 xã của 12 huyện, thành phố tổ chức được các lớp nghề. Đặc biệt, việc thí điểm các mô hình dạy nghề đã phát huy hiệu quả trong việc dạy nghề gắn với nhu cầu của nông dân.


 Thông qua học nghề, nhiều phụ nữ nông thôn đã có công ăn việc làm ổn định. (Ảnh: Phụ nữ đồng bào DTTS khu phố Sê Nhắc sau khi được học nghề đã có việc làm ổn định tại cơ sở dệt len Tài Hồng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà).

Huyện Đơn Dương được tỉnh chọn để triển khai một mô hình dạy nghề nông nghiệp, một mô hình dạy nghề phi nông nghiệp và một mô hình dạy nghề cho bà con dân tộc. Trong 2 năm 2010 - 2011, Trung tâm Dạy nghề Đơn Dương đã triển khai 30 lớp và đã có trên 800 học viên tốt nghiệp, trong đó, đồng bào DTTS chiếm trên 70% người học. Trong số 475 học viên tốt nghiệp năm 2011 với các nghề trồng trọt, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, móc len, đã có 89 người học nghề trồng trọt được Công ty Apollo và Công ty Hasfarm tuyển dụng. Số còn lại học nghề nông nghiệp đều áp dụng được kỹ năng, kiến thức vào sản xuất tại gia đình, nhiều người đã tăng thu nhập từ 2 - 4 lần trên cùng diện tích rau màu nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất mới. Số người học sửa xe máy, móc len đều tự tạo được việc làm, trong đó, có 34 người làm công ở cơ sở sản xuất - dịch vụ trên địa bàn có thu nhập ổn định.

Còn xã nông thôn mới Tân Hội (huyện Đức Trọng) đã mở 4 lớp dạy nghề gồm móc len, chăm sóc cà phê, trồng nấm và trồng dâu cho 145 người trong xã. Kết quả các lớp này đã giúp nhiều nông dân hình thành các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao, trồng nấm, làm giảm thời gian nông nhàn cho lao động nữ ở địa phương. Cùng với đó, nhiều lớp nghề tổ chức tại các huyện khác như: trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn UTZ do huyện Lâm Hà và Công ty cà phê Thái Hòa phối hợp tổ chức; kỹ thuật trồng rừng, dạy nghề thợ xây để cung cấp cho các công ty xây dựng trên địa bàn huyện Đam Rông; liên kết với các cơ sở sản xuất tranh thêu tay để dạy nghề và nhận hàng gia công tại nhà ở Bảo Lộc, Bảo Lâm; đan mây tre tại các huyện phía Nam; chăm sóc cà phê cho bà con DTTS tại các xã nghèo ở Lạc Dương; dệt len tại Lâm Hà… đã đem lại hiệu quả cao trong việc đào tạo nghề để giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình. Những người học các nhóm nghề nông nghiệp như chăm sóc cà phê, trồng rau hoa, nuôi cá nước ngọt, trồng nấm… đều áp dụng được kiến thức, kỹ năng được học để giảm chi phí đầu tư, phân bón, nước tưới, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp, mạnh dạn tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhà lưới, nhà kính… Các ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn như sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa điện gia đình… đã góp phần bảo đảm việc làm cho hàng trăm thanh niên ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương. Hàng ngàn chị em phụ nữ, người tàn tật ở nhiều huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc sau khi học nghề đan mây tre, thêu, móc len… đã nhận hàng gia công của các doanh nghiệp, hợp tác xã đem lại thu nhập mỗi ngày từ 30 - 80 ngàn đồng/người.

Việc thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở trong chỉ đạo, huy động lao động nông thôn tham gia học nghề. Đồng thời, huy động được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm nông nghiệp, trung tâm hướng nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. “Trong các mô hình trên, vai trò của doanh nghiệp trong sử dụng lao động, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và gắn với các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của địa phương là những yếu tố góp phần quyết định hiệu quả dạy nghề. Hơn nữa, kết quả tăng thu nhập sau học nghề tại nhiều lớp nghề là nguyên nhân chính góp phần thu hút đông đảo người học nghề”, ông Ngô Hữu Hay - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Theo Báo Lâm Đồng


Tìm kiếm