Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo KOTO: Nhân lên những điều kỳ diệu

Ở Việt Nam bây giờ không quá khó để tìm một trung tâm dạy nghề miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nơi nương tựa. Nhưng để tìm một cơ sở không chỉ đào tạo nghề mà còn cung cấp cho các em nơi ăn chốn ở miễn phí,... như ở Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo KOTO là điều không dễ dàng.

"KOTO hôm nay trang bị cho các em những hành trang cần thiết vào đời và sau này khi trưởng thành, các em bằng khả năng và tâm huyết của mình sẽ tiếp tục giúp đỡ cho những người khác cũng có hoàn cảnh khó khăn, cơ cực. Đó chính là sự kỳ diệu của dự án mà tất cả chúng tôi đều hy vọng”




Học viên ở KOTO được chú trọng đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành 

1.Ở Việt Nam bây giờ không quá khó để tìm một trung tâm dạy nghề miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nơi nương tựa. Nhưng để tìm một cơ sở không chỉ đào tạo nghề mà còn cung cấp cho các em nơi ăn chốn ở miễn phí, tạo được môi trường thực tế để các em có thể thực hành thường xuyên những lý thuyết đã được học, chú trọng rèn luyện các kỹ năng sống và trình độ ngoại ngữ cho mỗi học viên... như ở Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo KOTO là điều không dễ dàng. 

Được thành lập từ năm 1999, đến nay KOTO đã có cơ sở ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một văn phòng quốc tế đặt tại Úc. Trong hơn 10 năm, con số học viên mà KOTO đã đào tạo lên đến trên 500 người. Rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp từ KOTO đang làm việc tại các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn khác ở Úc và Dubai như: Sheraton, Sofitel Metropole, Sofitel Plaza, Hilton, Movenpick, Horizon... Đây thực sự là niềm vui trong mơ của nhiều thanh thiếu niên vốn xuất thân là những trẻ em sống trên đường phố hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... 

Nguyễn Thị Thảo, học viên khóa 1 của KOTO Hà Nội là một ví dụ. Trước khi trở thành học viên của KOTO cô bé Thảo khi ấy mới 13 tuổi làm công việc bán bưu thiếp trên đường phố 12 giờ/ngày để kiếm sống nhưng vẫn không đủ tiền cho các bữa ăn và những chi tiêu căn bản nhất của cuộc sống, chưa kể những hiểm nguy luôn rình rập xung quanh... Năm 2001, Thảo may mắn trở thành một thành viên của KOTO. Đã từng được nhận làm việc tại Sofitel Metropole Hà Nội rồi sau đó Thảo quyết định về nhà hàng KOTO Văn Miếu để truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ bên ngoài cho các học viên mới... Với sự nỗ lực của mình, năm 2007, Thảo được bình chọn là Đại sứ thiện chí KOTO và năm 2009, em được đến Melbourne (Úc) để tham gia khóa học Cử nhân Quản trị Du lịch Khách sạn tại Học viện Box Hill. Hiện tại, bên cạnh việc học Thảo còn làm việc ở Sofitel Melbourne để học hỏi và nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ của mình. Cô chia sẻ: "Sống và học tập ở nước ngoài thật thú vị nhưng không hề dễ dàng. Với những kỹ năng được học từ KOTO như kỹ năng sống, làm việc nhóm, Anh văn cũng như làm việc với người nước ngoài đã giúp tôi rất nhiều cho cuộc sống hiện tại ở nước ngoài. Hơn nữa, KOTO luôn bên cạnh và hỗ trợ tôi khi tôi cần. Đó là động lực lớn nhất để tôi có thể bước tiếp”. 

2. Lần giở lại lịch sử ra đời của KOTO, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng với Jimmy Phạm, người sáng lập KOTO kiêm Tổng giám đốc KOTO quốc tế. Anh sinh năm 1972, là một Việt kiều người Úc. Anh là con út trong một gia đình có 6 anh chị em với bố là người Hàn Quốc và mẹ là một phụ nữ Việt Nam. Tuy không được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng qua những gì mẹ kể, cậu bé Jimmy Phạm đã sớm nhen nhóm tình yêu với mảnh đất hình chữ S thân yêu. Năm 1996, Jimmy Phạm trở về quê hương sau 24 năm xa cách với vai trò là hướng dẫn viên du lịch của một hãng lữ hành nước ngoài đưa khách tham quan Việt Nam. Anh nhớ lại cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm thay đổi cuộc đời mình: "Hôm đó, tôi vô tình đi bộ trên đường và gặp được bốn trẻ em đang sống và làm việc trên đường phố để kiếm tiền lo cho gia đình của chúng. Khi ấy, tôi đã dùng tiền lương của mình để giúp đỡ bọn trẻ. Nhưng tự tôi cũng biết rằng đây chỉ là cách làm tạm thời. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều để giúp những trẻ em này có cuộc sống tốt hơn mà không phải đi nhận tiền từ thiện từ người khác. Chính vì thế nhà hàng KOTO đã được thành lập với sự hỗ trợ của Tracey Lister – một đầu bếp người Úc và 70 ngàn đô la Úc vay mượn từ gia đình, tiếp sau đó là Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo KOTO”. 

Xuất phát từ suy nghĩ phải dạy cho các em biết cách "câu cá” thay vì chỉ cho các em "con cá” ăn hàng ngày, Jimmy Phạm đã quyết định rời khỏi công việc ở ngành du lịch và trở về Việt Nam để góp phần giúp trẻ bụi đời nói riêng và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam có một tương lai sáng sủa hơn. Từ thực tế anh thấy, nếu chỉ dạy nghề cho các em, cho các em một công việc ổn định thì chưa thể giúp các em có một cuộc sống tốt đẹp hoàn toàn. Phần lớn các em xuất thân từ nghèo đói, cha/mẹ nghiện rượu, thuốc, bài bạc... hoặc là trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, bị bóc lột sức lao động... nghĩa là không có nghiệp vụ, sống bấp bênh và thiếu tự tin. Chính vì vậy, KOTO với phương châm "Biết Một, Dạy Một” đã không chỉ dạy cho các em kỹ năng chuyên ngành bàn bar và bếp, tiếng Anh mà cả các kỹ năng sống thông qua 36 lớp chuyên đề Sức khỏe/ Vệ sinh/ Kiềm chế cơn giận/ Chi tiêu/ Sơ cấp cứu... Với tiếng Anh, các em được học từ căn bản đến tiếng Anh chuyên ngành, tiếng Anh nâng cao và tiếng Anh dùng để đi xin việc. Chia sẻ về cuộc sống ở KOTO, Lý A Máo, học viên khóa 18 của KOTO cho biết: "Em là con cả trong một gia đình 7 anh chị em người dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Gia đình em rất nghèo vì chỉ biết trông vào thu hoạch nương rẫy. Khi biết đến chương trình học của KOTO cả nhà em vui lắm vì em không những được học nghề miễn phí mà còn được Trung tâm lo chu đáo từ nơi ăn, chốn ở. Thậm chí mỗi tháng chúng em còn được nhận phụ cấp học nghề là 890.000 đồng. Sau khi tốt nghiệp ở đây, em dự định sẽ ở lại Hà Nội thêm 5 năm để thực hành cho vững tay nghề rồi trở về quê hương làm việc”. 












 

Jimmy Phạm, người sáng lập kiêm
Tổng Giám đốc KOTO quốc tế

3. Ấn tượng của tôi khi trò chuyện với Jimmy Phạm là một người rất cởi mở, thân thiện và đam mê công việc đến mức hầu như không còn thời gian dành cho bản thân. Anh rất ít kể về mình. Đến bây giờ đã là 15 năm anh sống và làm việc ở Việt Nam. Với anh, dường như Việt Nam và công việc ở đây đã chọn anh chứ không phải ngược lại. Rồi anh lại đính chính rằng KOTO đã không còn là công việc mà trở thành đam mê, là tất cả cuộc sống của anh. Nhiều lúc Jimmy Phạm quên mất rằng mình đang ở Việt Nam, xa cha mẹ, người thân đến nửa vòng trái đất. Bởi với anh KOTO chính là nhà, là gia đình thân thiết. Anh gọi những học viên, những cộng sự ở KOTO là "những đứa em” một cách đầy trìu mến, yêu thương. Bất cứ khi nào có thể anh đều dành thời gian để tiếp xúc, trò chuyện nhiều hơn với những đứa em của mình không chỉ về chuyện học hành mà cả đời sống tình cảm, tâm tư nguyện vọng của chúng. Triệu Thị Hà, một học viên của KOTO còn tiết lộ mỗi khi rảnh rỗi anh Jimmy Phạm còn đến nhà hàng để rửa bát hộ nhân viên! 

Nói tiếng Việt rất chuẩn, Jimmy Phạm bảo đó là nhờ người mẹ Việt Nam của anh đã luôn bồi đắp tình yêu quê hương cho những đứa con của mình. Bà với những đức tính điển hình của người phụ nữ Việt Nam đầy chịu thương, chịu khó, hy sinh cả cuộc đời vì gia đình đã luôn ở bên cạnh động viên các con mỗi khi chúng nản lòng hay thất vọng... Jimmy Phạm bảo anh học được ở bà hai chữ vô cùng đáng quý là "nhẫn” và "nhường”. Dù ở xa bà, không trực tiếp chăm sóc mẹ mình nhưng những gì anh đang làm hôm nay ở Việt Nam cũng là một cách trả hiếu với mẹ, với quê hương đã sinh ra bà, một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời.

"KOTO hôm nay trang bị cho các em những hành trang cần thiết vào đời và sau này khi trưởng thành, các em bằng khả năng và tâm huyết của mình sẽ tiếp tục giúp đỡ cho những người khác cũng có hoàn cảnh khó khăn, cơ cực. Đó chính là sự kỳ diệu của dự án mà tất cả chúng tôi đều hy vọng” - Jimmy Phạm chia sẻ.

Thu Hương
Nguồn: http://www.baomoi.com

Tìm kiếm