Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Sử dụng thẻ học nghề hiệu quả hơn


QĐND - Thẻ học nghề là “món quà” nhiều ý nghĩa của Đảng, Nhà nước và Quân đội “tặng” cho quân nhân trước khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Nhờ có tấm thẻ học nghề mà những năm qua hàng nghìn quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã trở thành những người lao động có kỹ thuật, tay nghề, có nghề nghiệp, việc làm để sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho xã hội. Nhiều người trong số đó đã trở thành người lao động sản xuất giỏi trong các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế hoặc được tuyển chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao. 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, đơn vị chúng tôi được biết bên cạnh những ưu điểm của việc cấp thẻ học nghề cho quân nhân cũng bộc lộ những hạn chế: Tại một số đơn vị, việc tư vấn học nghề chưa được cấp ủy, chỉ huy quan tâm đúng mức khiến cho nhiều quân nhân còn băn khoăn, lúng túng khi lựa chọn nghề; ngành nghề đào tạo trong các trường dạy nghề chưa đa dạng, phong phú, chưa phù hợp với nhu cầu học tập của quân nhân... Đã thế, qua tìm hiểu chúng tôi thấy có không ít quân nhân không có nhu cầu học nghề. Cụ thể là, theo số liệu khảo sát của Sư đoàn 316 cho thấy, chỉ có khoảng 80% quân nhân có nhu cầu học nghề. Một số quân nhân, gia đình có nghề truyền thống hoặc trước khi vào quân đội đã có nghề nghiệp, việc làm ổn định tại địa phương hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nên không có nhu cầu học thêm nghề mới sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Để thẻ học nghề phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả thiết thực, cơ quan chức năng cần tiếp tục có những biện pháp, cách làm, đổi mới và sáng tạo hơn. Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần quan tâm làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho quân nhân trước khi xuất ngũ, coi đây là một nội dung giáo dục thường xuyên của đơn vị. 

Việc tư vấn, hướng nghiệp cho quân nhân cần được đơn vị chủ động tiến hành, có phối hợp với các trường dạy nghề bằng những nội dung, hình thức phù hợp. Thực tế cho thấy đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả như: Trường Trung cấp Nghề số 19, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, tiến hành tư vấn học nghề từ khi thanh niên chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân sự, thông qua việc tổ chức giao lưu, tặng quà, sổ lưu niệm có ghi những thông tin về trường, ngành, nghề đào tạo, để trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự, quân nhân có thời gian nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn. Còn ở Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Sư đoàn 968 (Quân khu 4), việc tư vấn nghề được tiến hành có sự phối hợp chặt chẽ với các trường dạy nghề trên địa bàn, vào thời điểm trước khi quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ 2 đến 3 tháng. Các buổi tư vấn giúp cho quân nhân có thông tin đầy đủ, cụ thể về ngành nghề, địa điểm học tập, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi học nghề. Việc tư vấn tiến hành dân chủ, công khai trong ngày nghỉ cuối tuần, giúp cho quân nhân có thời gian tìm hiểu, lựa chọn, đăng ký học nghề theo nhu cầu cá nhân. Cùng với tham khảo những cách làm trên, các đơn vị căn cứ vào đặc điểm tình hình, đối tượng chiến sĩ để có nội dung, hình thức tư vấn thiết thực. Không để xảy ra hiện tượng, đơn vị “liên kết” với các trường nghề “ép” đăng ký học nghề trong khi quân nhân chưa sẵn sàng, sau đó giữ thẻ, rồi ghi vào hồ sơ xuất ngũ “đã đăng ký học nghề”… dẫn tới tình trạng một số quân nhân sau khi về địa phương muốn thay đổi ngành nghề học cũng không được, thậm chí bỏ học do ngành nghề không phù hợp, địa điểm học tập quá xa, đi lại khó khăn…

Ngành nghề trong các trường dạy nghề của quân đội và ngoài xã hội hiện nay khá đa dạng, phong phú, song chủ yếu vẫn là cơ khí, điện tử, điện lạnh, xây dựng… Trong khi đó, phần lớn quân nhân đều xuất thân từ các vùng nông thôn, miền núi, ven biển điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, những ngành nghề trên có học cũng không dễ tìm được việc làm, dẫn tới lãng phí. Nhiều người sau khi học không xin được việc làm ở thành phố, thị xã, khi về địa phương cũng không có cơ hội tìm được việc làm theo ngành nghề đã học. Từ thực tế đó, mong các trường dạy nghề cần nghiên cứu mở rộng các ngành, nghề trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, gắn chặt với hoạt động lao động sản xuất ở từng vùng, miền, địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Làm được việc này còn có ý nghĩa thiết thực đào tạo ra đội ngũ những người lao động có trình độ trực tiếp góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Xuân Vũ

Tìm kiếm